5 loại chấn thương đầu gối thường gặp và cách điều trị phổ biến

Tác giả: Phan Duong

Chấn thương đầu gối là một chấn thương thường gặp trong sinh hoạt, lao động và chơi thể thao. Có nhiều loại chấn thương đầu gối khác nhau và tùy theo nguyên nhân được xác định, bạn nên áp dụng cách sơ cứu và điều trị phù hợp để chủ động bảo vệ sức khỏe, hạn chế phát sinh biến chứng ảnh hưởng tới khả năng vận động.

1. TOP 5 loại chấn thương đầu gối phổ biến nhất hiện nay

Khớp gối là một khớp phức tạp, được cấu tạo từ 4 thành phần: xương, sụn, dây chằng và gân, cho phép mỗi người gấp và duỗi chân để thực hiện tư thế ngồi, đứng thẳng, chạy và nhảy.

Khi chấn thương đầu gối xảy ra, ngay cả chấn thương nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Dưới đây là 5 loại chấn thương đầu gối thường gặp bạn không nên bỏ qua:

1.1. Đứt dây chằng chéo trước

Dây chằng chéo trước (ACL) là bộ phận nối từ lồi cầu xương đùi đến diện trước xương chày, ngăn cho mâm chày không bị di lệch ra trước so với xương đùi và xoay vào trong của cẳng bàn chân. Khi hiện tượng đứt dây chằng chéo trước xảy ra, khớp gối có thể mất ổn định, từ đó cản trở quá trình sinh hoạt và vận động ở cường độ mạnh như bật nhảy, chạy nhanh hoặc chạy lên dốc.

Nguyên nhân đứt dây chằng chéo trước được xác định là do bật nhảy cao nhưng chân tiếp đất trong tư thế không thuận, hoặc do đột ngột chuyển hướng, xoay người khi đang di chuyển với tốc độ nhanh mà bàn chân vẫn giữ nguyên. Do đó, đối tượng dễ bị đứt dây chằng đầu gối chủ yếu là những vận động viên bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền hoặc khúc côn cầu.

đứt dây chằng chéo trước
Đứt dây chằng chéo trước xảy ra khi tiếp đất chân không thuận hoặc đột ngột chuyển hướng khi di chuyển ở tốc độ cao

Dựa vào mức độ tổn thương của dây chằng và mức độ lỏng gối, có thể chia đứt dây chằng chéo trước thành 3 mức độ:

  • Mức độ 1: Dây chằng bị giãn nhưng khớp gối còn ổn định. 
  • Mức độ 2: Dây chằng bị đứt một phần và khớp gối bắt đầu mất cân bằng. 
  • Mức độ 3: Dây chằng bị đứt hoàn toàn, khớp gối lỏng lẻo khiến người bệnh khó khăn khi di chuyển và sinh hoạt. 

Biểu hiện lâm sàng của đứt dây chằng chéo trước chủ yếu là sưng và đau vùng gối, bệnh nhân cảm nhận tiếng “rắc” ngay khi chấn thương. Khớp gối bị lỏng khiến chân yếu khi di chuyển, hoặc khi đi nhanh và chạy nhanh, cho cảm giác ríu chân, dễ vấp ngã. Nếu không đi khám và điều trị sớm theo hướng dẫn của bác sĩ, đứt dây chằng chéo trước có thể tiến triển sang tổn thương sụn chêm thứ phát hoặc thoái hóa khớp gối.

1.2. Đứt dây chằng chéo sau

Chức năng của dây chằng chéo sau (PCL) ngược lại với dây chằng chéo trước, tức là giữ cho mâm chày không bị trượt ra sau và xoay ra ngoài. Dấu hiệu nhận biết của chấn thương dây chằng chéo sau bao gồm: sưng tấy và đau nhức khi chấn thương, lỏng gối, khó khăn khi đứng trụ một chân bên gối lỏng, cơ đùi có xu hướng teo lại, lên cầu thang cảm giác không thật chân hoặc khó khăn khi bước xuống cầu thang.

Mặc dù tỷ lệ tổn thương dây chằng chéo sau thấp hơn so với đứt dây chằng chéo trước, song người bệnh không nên chủ quan xem nhẹ bởi quá trình phục hồi khớp gối không đúng cách có thể khiến sụn chêm tổn thương, thoái hóa gối và thậm chí phẫu thuật khớp gối sau này.

1.3. Rách sụn chêm (Meniscus tear)

Sụn chêm là một tấm sụn chắc chắn có hình dạng chữ C (sụn chêm trong) và hình chữ O (sụn chêm ngoài) nằm lót giữa hai mặt khớp xương đùi và xương chày, giữ vai trò hấp thụ, phân phối lực tác động đến khớp gối và ổn định đầu gối. Ngoài ra, sụn chêm còn lấp đầy khe khớp, ngăn chặn màng hoạt dịch và bào khớp tràn vào.

Rách sụn chêm là hậu quả của tình trạng đứt dây chằng chéo trước không điều trị, thường gặp nhất ở khớp gối trong chấn thương thể thao (cầu thủ bóng đá) hoặc do tai nạn giao thông. Biểu hiện lâm sàng của tổn thương sụn chêm bao gồm:

  • Đau khe khớp khi dùng ngón tay chạm vào khớp gối.
  • Tràn dịch khớp gối, dẫn đến kẹt khớp.
  • Khớp gối xuất hiện tiếng lục khục khi vận động.
  • Teo cơ tứ đầu đùi khi tổn thương kéo dài.
rách sụn chêm
Rách sụn chêm khiến đầu gối đau nhức, vận động khó khăn và thậm chí teo cơ đùi

Tổn thương rách sụn chêm mức độ nhẹ, xảy ra ở vùng giàu mạch nuôi có thể tự phục hồi sau 6 tuần điều trị đúng cách. Ngược lại, nếu tổn thương phức tạp, sụn chêm bị rách lớn hoặc rách ở vị trí khó liền như vùng ít mạch nuôi, rách điểm bám sừng sau, rách bỏng khỏi mặt mâm chày, nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và áp dụng biện pháp điều trị bảo tồn.

1.4. Trật khớp gối

Trật khớp gối (hay còn gọi trật khớp đùi – chày) là một trong những chấn thương đầu gối nghiêm trọng nhưng hiếm gặp (chiếm khoảng 0,02% trong tổng số chấn thương gối). Hầu hết thành phần của khớp gối được liên kết với nhau thông qua hệ thống gân cơ, bao khớp và dây chằng.

Khi ngoại lực bất chợt tác động mạnh vào khớp (trực tiếp hoặc xoắn mạnh vùng gối) có thể khiến thành phần của khớp gối bị đứt rách, biến dạng cấu trúc, lệch trục, dẫn đến đau nhức nhiều và thậm chí mất khả năng vận động. Thống kê cho thấy, khoảng 10% trường hợp phải phẫu thuật cắt cụt chân vì chữa trị không kịp thời, khiến mạch máu và hệ thần kinh tổn thương nghiêm trọng.

Đây cũng là lý do tại sao khi trật khớp gối, người bệnh phải gặp bác sĩ để được xử trí đúng cách, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra, ảnh hưởng nguy hại cho sức khỏe.

1.5. Hội chứng dải chậu chày (Iliotibial band syndrome)

Dải chậu chày là mô liên kết kéo dài từ hông đến xương chày ở mặt ngoài đầu gối, giữ vai trò ổn định chuyển động cho khớp gối. Hội chứng dải chậu chày xảy ra khi người bệnh lặp đi lặp lại động tác co duỗi đầu gối trong thời gian dài, dẫn đến tổn thương mô mềm trên, dải chậu dày bị cọ sát vào bên ngoài của khớp gối, khiến khớp gối đau nhức, dễ lan sang đùi hoặc mông.

hội chứng dải chậu chày
Đối tượng thường gặp của hội chứng dải chậu dày là vận động viên chạy việt dã

Dấu hiệu nhận biết của hội chứng dải chậu chày bao gồm 4 triệu chứng lâm sàng:

  • Đau nhức nghiêm trọng, nóng rát và thốn ở mặt ngoài đầu gối.
  • Cơn đau có tính chất cơ học, âm ỉ trong vài tuần, sau đó tăng mức độ khiến người bệnh phải ngưng hoạt động trong thời dài để dải chậu chày phục hồi.
  • Xuất hiện tiếng “lách cách” hoặc “lốp cốp” ở mặt ngoài đầu gối.
  • Mặt ngoài đầu gối ấm và đỏ.

Nếu gặp phải những triệu chứng trên, bạn nên gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân và hướng dẫn phác đồ điều trị tận gốc.

2. Hướng dẫn điều trị các loại chấn thương đầu gối

Nếu chấn thương đầu gối kéo dài hơn một tuần và khớp gối mất khả năng vận động, bạn nên đi khám sớm để được xử lý kịp thời. Thông thường, bác sĩ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như chụp X – quang quy ước hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Điều này nhằm đánh giá chính xác tình trạng trạng tổn thương của dây chằng chéo, sụn chêm, sụn khớp, dây chằng bên và bất thường khác của vùng đầu gối.

Tùy vào nguyên nhân được xác định và đặc điểm của chấn thương, bác sĩ hướng dẫn bạn áp dụng những phương pháp điều trị thích hợp. Dưới đây là 5 biện pháp phổ biến:

2.1. Biện pháp xử lý ban đầu

Ngay sau chấn thương với tình trạng gối đau nhức và phù nề, người bệnh nên áp dụng ngay biện pháp giảm đau tại nhà như:

  • Cho đầu gối nghỉ ngơi, tránh di chuyển hoặc vận động liên tục.
  • Bất động đầu gối bằng bột hoặc bằng nẹp khoảng 2 – 3 tuần để ổn định vùng chấn thương.
  • Chườm lạnh trong 24 giờ sau chấn thương để giảm đau và làm dịu viêm sưng. Các biện pháp chườm lạnh bao gồm túi gel lạnh, khăn lạnh hoặc đá lạnh được quấn sẵn vào khăn. Khi chườm cần lưu ý thời gian từ 20 – 30 phút là đủ và chườm cách nhau 3 – 4 giờ.
điều trị chấn thương đầu gối
Chườm lạnh là biện pháp xử lý cần thiết khi đầu gối bị đau và viêm sưng
  • Sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau như Paracetamol, thuốc kháng viêm không Steroids (NSAID) theo hướng dẫn của bác sĩ.

Các loại thuốc giảm đau xương khớp và thông tin bạn nên biết

Thuốc giảm đau xương khớp là sự lựa chọn hàng đầu của các bệnh nhân khi xuất hiện các triệu chứng như tê mỏi, đau dữ dội hoặc âm ỉ các khớp. Nhờ đặc tính tiện lợi mà hiện nay có đa dạng loại thuốc giảm đau cho xương khớp,…

  • Nếu tràn máu khớp gối, người bệnh tuyệt đối không chọc hút máu vì có thể khiến khớp bị nhiễm trùng. Tốt nhất là bạn nên để máu tự tiêu hoặc thực hiện biện pháp sơ cứu vết thương.

2.2. Điều trị bảo tồn

Các loại chấn thương đầu gối như đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau hoặc rách sụn chêm không có khả năng tự phục hồi. Vì thế, phần lớn trường hợp phải phẫu thuật để ngăn ngừa biến chứng. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân lớn tuổi hoặc người ít vận động, có thể điều trị theo phương pháp bảo tồn, bằng cách:

  • Cố định khớp gối bằng nẹp hoặc bột trong 3 tuần đầu.
  • Sau đó, bác sĩ hướng dẫn người bệnh tập phục hồi chức năng để khôi phục biên độ khớp, tăng cường sức mạnh cho nhóm cơ bị yếu.

2.3. Phẫu thuật

Phẫu thuật nên được lựa chọn cuối cùng, khi tất cả phương pháp điều trị trước đó không đạt hiệu quả hoặc người bệnh gặp phải những trường hợp sau:

  • Đứt dây chằng chéo trước cấp độ 2 và cấp độ 3.
  • Đứt dây chằng chéo sau khiến khớp gối mất ổn định.
  • Tổn thương sụn chêm, kèm theo tình trạng đau viêm hoặc kẹt khớp.
  • Tổn thương sụn khớp, tạo dị vật khớp gây đau và kẹt khớp.

Trong đó, phẫu thuật nội soi là phương pháp được áp dụng phổ biến, thực hiện thông qua vài đường rạch nhỏ trên da (<1cm). Lúc này, dây chằng nhanh chóng được tái tạo, sụn chêm được khâu bảo tồn, đồng thời sụn khớp được lẩy bỏ, thúc đẩy lớp xơ sụn phát triển và lấp đầy vị trí tổn thương.

Dẫu vậy, phẫu thuật là một con dao hai lưỡi. Sau điều trị, người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng không mong muốn. Vì thế, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ thật kỹ càng, trước khi quyết định mổ chấn thương đầu gối.

2.4. Tập luyện phục hồi

Luyện tập giữ vai trò quan trọng đối với bệnh nhân bị chấn thương đầu gối. Vận động thường xuyên với các bài tập phục hồi chức năng nhẹ nhàng giúp tăng cường sức mạnh cho nhóm cơ đùi và duy trì biên độ của khớp gối. Tùy theo tình trạng và mức độ chấn thương mà người bệnh nên luyện tập với cường độ phù hợp, tránh quá sức để bệnh không trở nên nghiêm trọng.

Có thể bạn quan tâm: Phục hồi chức năng: Đối tượng và các hình thức điều trị

Ngoài các phương pháp kể trên, hiện nay, người bị chấn thương đầu gối, đặc biệt là các chấn thương có liên quan tới tổn thương dây chằng, lớp sụn bị bào mòn hoặc cấu trúc sai lệch, có thể áp dụng ngay phương pháp Trị liệu Thần kinh Cột sống (Chiropractic) để khôi phục vị trí tự nhiên cho bộ phận của đầu gối.

Với thao tác nắn chỉnh bằng tay, bác sĩ chuyên khoa Trị liệu Thần kinh Cột sống (Chiropractor) tiến hành điều chỉnh cấu trúc khớp gối bị lệch về đúng vị trí vốn có, giải phóng chèn ép dây thần kinh xung quanh, từ đó kích hoạt khả năng tự chữa lành chấn thương ở đầu gối và bệnh tật ở cơ quan khác mà không phải dùng thuốc hay phẫu thuật.

Tìm hiểu thêm: Tổng hợp thông tin về phương pháp Chiropractic

Trên đây là thông tin về 5 loại chấn thương đầu gối thường gặp và phương pháp điều trị phù hợp mà bạn có thể tham khảo. Nhìn chung, chấn thương đầu gối là tình trạng chấn thương phức tạp, ảnh hưởng nhiều tới khả năng vận động của người bệnh. Nếu xuất hiện những triệu chứng bất thường ở khớp gối, bạn nên đi khám bác sĩ sớm để được kiểm tra, chữa trị kịp thời, an toàn và hiệu quả.