Chấn thương thể thao thường gặp: Cách điều trị và phòng ngừa

Tác giả: Bui Ngan

Chấn thương thể thao thường rất dễ xảy ra khi tập luyện, đặc biệt đối với các vận động viên. Nếu không có phương pháp sơ cứu kịp thời và điều trị đúng cách, những chấn thương có thể dẫn đến biến chứng khó lường. Hãy xem ngay bài viết dưới đây để tìm hiểu một số loại chấn thương thường gặp, cách điều trị phù hợp cũng như biện pháp phòng ngừa khi tập luyện thể thao.

1. Chấn thương thể thao là gì?

Chấn thương trong thể thao là tình trạng tổn thương ở một hoặc nhiều bộ phận cơ thể, xảy ra khi tập thể dục hoặc chơi thể thao.

Chấn thương thể thao có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nhưng thuật ngữ này thường được hiểu là các tổn thương liên quan hệ thống cơ, xương, khớp và các mô liên quan như sụn, dây chằng.

chấn thương mắt cá chân trong thể thao
Mắt cá chân là một trong những bộ phận dễ gặp chấn thương nhất trong thể thao.

Những nguyên nhân gây chấn thương trong thể thao có thể do chính người tập luyện hoặc đôi khi do môi trường và dụng cụ, cụ thể là:

  • Không khởi động hoặc khởi động không kỹ nên khi vận động bất ngờ sẽ khiến lượng oxy và máu không được vận chuyển kịp thời đến các cơ, dẫn đến chấn thương.
  • Thay đổi cách tập luyện liên tục hay không tìm hiểu kỹ bài tập khiến cơ thể dễ tập sai tư thế và bị chấn thương.
  • Một số dị tật như chân vòng kiềng, bàn chân bẹt, tay cán giá… rất dễ làm người chơi bị chấn thương khi tập luyện và thi đấu.
  • Sân tập gồ ghề hoặc trơn trượt, thời tiết khắc nghiệt, trang phục hoặc dụng cụ không phù hợp cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bị chấn thương.

2. Các chấn thương thể thao thường gặp

Dưới đây là những chấn thương thường gặp nhất trong thể thao:

2.1. Bong gân

Tình trạng bong gân diễn ra do sự kéo căng quá mức gây tổn thương hoặc làm rách dây chằng khi té ngã hoặc trượt chân khi chơi thể thao. Dây chằng là những mảnh mô kết nối hai xương với nhau trong một khớp. Bong gân thường xảy ra ở vị trí mắt cá chân, đầu gối và cổ tay. Trong đó, bong gân mắt cá chân là trường hợp dễ gặp nhất.

Dấu hiệu nhận biết bong gân:

  • Đau nhói ở vùng khớp bị trẹo. Khoảng 1 giờ sau, cảm giác đau nhức dần dần trở lại khiến bạn không thể cử động vùng khớp đó được.
  • Vết thương sưng to, bầm tím, có hiện tượng tụ máu, khớp lỏng lẻo.

2.2. Căng cơ

Căng cơ xảy ra khi cơ bị căng quá mức và bị rách. Cơ cổ, bắp chân, háng, vùng thắt lưng và vai là những vị trí dễ xảy ra căng cơ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến căng cơ là vì không khởi động kỹ trước khi tập luyện hoặc do một lực tác động bất ngờ.

bong gân, căng cơ khi chơi thể thao
Khởi động không kỹ sẽ xảy ra hiện tượng căng cơ – cực kỳ phổ biến trong giới thể thao.

Dấu hiệu nhận biết căng cơ:

  • Sưng, đau nhức và khó cử động tại vùng cơ bị căng.
  • Cơn đau sẽ giảm dần khi người bệnh nghỉ ngơi (nếu ở mức độ nhẹ), hoặc cơn đau kéo dài trong nhiều ngày làm cản trở vận động (nếu ở mức độ nặng).

2.3. Trật khớp

Chấn thương thể thao có thể làm trật khớp ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như đầu gối, khuỷu tay, háng. Lúc này, xương có thể bị lệch hoàn toàn hoặc không hoàn toàn ra khỏi khớp của nó.

Dấu hiệu nhận biết trật khớp:

  • Khớp sưng to, phù nề và biến dạng.
  • Xuất huyết dưới da, tụ máu bầm ở phần mềm xung quanh khớp.
  • Đau nhiều, kèm theo cảm giác tê bì hoặc kiến bò khiến khớp không thể co, duỗi như bình thường.

2.4. Gãy xương

Gãy xương là một chấn thương thể thao xảy ra khi có một lực tác động mạnh từ bên ngoài. Tùy vị trí và hướng lực tác dụng, xương có thể gãy theo chiều dọc, chiều ngang hoặc gãy thành nhiều mảnh. Gãy xương là tình trạng cấp tính, cần được cấp cứu và xử lý ngay. Nếu không, có thể dẫn đến biến chứng do mất máu, tổn thương thần kinh, chèn ép mạch máu,… thậm chí tử vong.

Dấu hiệu nhận biết gãy xương:

  • Nghe âm thanh lạo xạo dưới da khi chấn thương xảy ra.
  • Ngay tại vị trí xương gãy bị bầm tím, sưng đỏ, biến dạng.

2.5. Chấn thương đầu gối

Do khớp gối đảm nhận nhiều hoạt động khi chơi thể thao nên dễ bị tổn thương đột ngột, bao gồm:

  • Giãn, rách hoặc đứt dây chằng chéo trước (ACL) thường gặp nhất ở bộ môn thể thao cần phản ứng nhanh (bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, võ thuật…), gây triệu chứng đau, sưng và khó cử động đầu gối.
  • Giãn hoặc đứt dây chằng chéo sau (PCL) tuy ít gặp hơn, nhưng vẫn có thể xảy ra và gây đau dữ dội vùng sau gối, sưng viêm và khớp gối lỏng lẻo.
  • Kéo căng hoặc rách dây chằng giữa khớp gối (MCL) là chấn thương thường gặp trong bóng đá, khiến vận động viên bị đau gối dữ dội.
  • Chấn thương dây chằng bên ngoài (LCL) là chấn thương thể thao ít xảy ra, nhưng gây mức độ tổn thương nghiêm trọng, khiến mặt ngoài đầu gối sưng tấy, cứng khớp và lâu dần gây thoái hóa khớp.
  • Rách sụn chêm khớp gối xảy ra khi người chơi thể thao bật dậy quá nhanh từ tư thế ngồi xổm. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là khớp gối bị đau, sưng và phát ra tiếng cục lục khi vận động.
trật khớp là chấn thương thể thao thường gặp
Đầu gối thường chịu áp lực rất lớn khi tập luyện, vận động nên rất dễ xảy ra chấn thương đặc biệt là trong môn đạp xe và đẩy tạ.

Có thể bạn quan tâm: Các loại chấn thương đầu gối hay gặp và cách chữa trị hiệu quả

2.6. Chấn thương vai – cánh tay – khuỷu tay

Tập luyện cường độ cao hoặc thực hiện động tác sai tư thế là nguyên nhân gây nên chấn thương ở vai, cánh tay và khuỷu tay:

  • Chấn thương ở vai thường gặp là sai khớp, viêm hoặc rách vòng bít quay, viêm gân chóp xoay, vai đông cứng, tổn thương sụn viền khớp vai. Biểu hiện dễ nhận thấy là đau, sưng, cứng vùng vai; không thể cử động vai và cánh tay bình thường; khớp vai biến dạng…
  • Viêm gân cơ nhị đầu (Biceps Tendinitis) là tình trạng viêm ở đầu dài của 2 gân cơ nhị đầu bao gồm cả đầu dài và đầu ngắn, thường xảy ra khi gặp các vị trí chấn thương khớp vai.
  • Hội chứng khuỷu tay Tennis (tennis elbow) hoặc viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay có biểu hiện là đau khi hoạt động khuỷu tay, đặc biệt là khi cầm vật nào đó hoặc vặn cẳng tay.
Phòng tránh chấn thương khi chơi tennis

Chấn thương khi chơi tennis chắc chắn là vấn đề không còn xa lạ gì với vận động viên hoặc ở những người thường chơi môn thể thao này. Theo thống kê của Hiệp Hội Chấn Thương Chỉnh Hình Hoa Kỳ, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm…

2.7. Viêm cân gan chân

Viêm cân gan chân là tình trạng viêm cân gan ở bàn chân, thường gây ra cảm giác đau nhói và buốt ở phần gót chân. Trong nhiều trường hợp, tình trạng đau cân gan chân kéo dài có thể gây ra gai xương gót khiến người bệnh đau khi đi lại, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống.

viêm cân gan bàn chân

Viêm cân gan chân là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gai gót chân.

Dấu hiệu nhận biết:

  • Đau nhói một vùng ở mặt dưới xương gót nơi cân gan chân bám vào xương gót gây khó khăn khi đi lại bằng chân trần trên nền cứng.
  • Thường đau nhiều về sáng và giảm nhẹ trong ngày, nhưng cơn đau có thể trở lại sau khi vận động đi lại nhiều.

2.8. Viêm gân gót chân Achilles

Viêm gân gót chân là tình trạng gân Achilles hoạt động quá mức dẫn đến sự quá tải về lực và trọng lực, làm tổn thương vùng gót chân. Phần gân Achilles là nơi có khá ít mạch máu nên khi chịu áp lực lớn sẽ dễ gây chấn thương, thậm chí có thể dẫn đến rách hoặc đứt gân gót.

3. Cách điều trị chấn thương trong thể thao

Có nhiều cách điều trị chấn thương thể thao và bạn có thể dựa vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của chấn thương mà chọn ra phương pháp phù hợp.

3.1. Phương pháp sơ cứu chấn thương RICE

Đối với những chấn thương cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp RICE. Đây cũng là những bước sơ cứu chấn thương khi chơi thể thao, thể dục cơ bản mà chúng ta có thể xử lý tạm thời trước khi đến bệnh viện:

  • Nghỉ ngơi (Rest): Hạn chế vận động và nghỉ ngơi để cơn đau thuyên giảm đáng kể.
  • Chườm lạnh (Ice): Dùng túi chườm lạnh chuyên dụng áp lên khu vực chấn thương trong vòng 24 giờ sau chấn thương để giảm sưng và đau. Nên chườm lạnh liên tục trong khoảng 2 – 3 ngày sau chấn thương, mỗi lần chườm lạnh chỉ nên từ 20 – 30 phút và cách nhau 3 – 4 giờ.
  • Băng bó (Compression): Việc băng bó giúp cố định khớp cũng như dây chằng, tránh để chấn thương trở nặng. Lưu ý nếu cảm thấy đau nhói hay băng quá chặt, nên nới lỏng hơn để máu được lưu thông dễ dàng.
  • Nâng cao (Elevation): Kê gối bên dưới bộ phận chấn thương, sao cho phần bị bong gân hoặc trật khớp cao hơn so với toàn bộ cơ thể. Cách này giúp giảm đau và giảm sưng khá hiệu quả.

Tuy nhiên, chấn thương với bất kỳ mức độ nặng nhẹ nào đều có khả năng phát triển thành các biến chứng nghiêm trọng như viêm khớp, thoái hóa khớp, đau thần kinh tọa… thậm chí tổn thương thần kinh và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Nếu có những dấu hiệu như cơn đau kéo dài và ngày càng dữ dội, vết thương sưng tấy và đổi màu da, xương biến dạng, không thể cử động bình thường, gãy xương, liệt thần kinh cảm giác, mất ý thức, buồn nôn, chóng mặt,… cần đến bệnh viện khám ngay lập tức!

3.2. Các phương pháp điều trị phục hồi sau sơ cứu

Sau sơ cứu ban đầu bằng phương pháp RICE, bác sĩ sẽ xác định có cần điều trị bổ sung để hồi phục hoàn toàn chấn thương hay không. Các phương pháp xử lý bao gồm:

  • Phẫu thuật

Đây là phương pháp điều trị thường được áp dụng với các chấn thương rách dây chằng chéo trước, rách dây chằng bên trong gối khi tổn thương nặng.

  • Vật lý trị liệu

Các chuyên gia sẽ chỉ định một số bài tập phù hợp chẳng hạn như bài tập kéo giãn cơ, bài tập cải thiện cơ bắp hoặc được hỗ trợ từ thiết bị hiện đại nhằm khôi phục chức năng của cơ thể, có khả năng chữa trị các loại chấn thương trong thể thao. Tuy nhiên việc điều trị bằng vật lý trị liệu thường đòi hỏi thời gian kéo dài, tác động từ từ.

Những điều bạn cần biết về vật lý trị liệu phục hồi chức năng

Vật lý trị liệu phục hồi chức năng là một phương pháp giúp phòng ngừa cũng như điều trị và phục hồi các chức năng của cơ thể. Phương pháp này tuy không mới nhưng vẫn có nhiều người chưa hiểu rõ hết tác dụng của nó. Cùng tìm hiểu…

  • Trị liệu thần kinh cột sống

Đây là phương pháp điều trị tiên tiến bắt nguồn từ Mỹ, bác sĩ sẽ nắn chỉnh các khớp xương và đốt sống sai lệch vào đúng vị trí ban đầu, từ đó trả lại đúng cấu trúc và chức năng của xương khớp, góp phần cải thiện dẫn truyền dây thần kinh cột sống đi ngang qua các đốt sống. Nhờ vậy, cơn đau sẽ giảm dần và chấm dứt hẳn chỉ sau một thời gian ngắn mà không dùng thuốc hay phẫu thuật.

Ngoài ra, nắn chỉnh cột sống còn mang lại nhiều lợi ích, bao gồm:

  • Tối ưu hóa phản xạ thăng bằng.
  • Chữa lành chấn thương nhanh chóng.
  • Nâng cao khả năng vận động.
  • Tăng cường sức mạnh và độ dẻo trục thân – lưng, bụng, khớp gối, khớp vai, khuỷu, cổ tay và cơ bắp cánh tay.

Bài viết xem thêm: Chiropractic là gì? Phương pháp này có an toàn không?

Phòng khám ACC tự hào là đơn vị ứng dụng Trị liệu thần kinh cột sống đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép. Với 100% đội ngũ bác sĩ chuyên gia Chiropractic nước ngoài giàu kinh nghiệm, ACC cam kết mang đến chương trình chăm sóc & điều trị các chấn thương thể thao đạt chuẩn quốc tế.

chăm sóc xương khớp hạn chế chấn thương thể thao
Bác sĩ Wade Brackenbury chăm sóc cơ xương khớp cho cầu thủ Bùi Tiến Dụng trong quá trình luyện tập và thi đấu.

Hãy cùng xem video bác sĩ Wade Brackenbury (phòng khám ACC) chia sẻ về cách phòng trách và điều trị các chấn thương thường gặp trong thể thao:

4. Cách phòng ngừa chấn thương khi chơi thể thao

Dưới đây là những cách có thể giúp bạn ngăn ngừa chấn thương khi tập luyện thể thao:

  • Tập với cường độ vừa phải, phù hợp với thể trạng người tập.
  • Uống nhiều nước trước, trong và sau khi tập thể dục.
  • Chuẩn bị trang phục, dụng cụ đầy đủ và tìm hiểu kỹ thuật, động tác trước khi tập luyện thể dục, thể thao.
  • Bắt đầu buổi tập với một số bài tập khởi động, làm nóng cơ thể.
  • Giãn cơ trước và sau mỗi buổi tập.
  • Luôn chuẩn bị những dụng cụ sơ cứu đơn giản khi tập luyện và thi đấu.

Trên đây là những dấu hiệu nhận biết các loại chấn thương thể thao cũng như một số phương pháp điều trị phổ biến và cách phòng ngừa khi tập luyện, thi đấu. Hi vọng những kiến thức này sẽ giúp bạn giảm nguy cơ chấn thương trong thể thao, đặc biệt là có thêm kinh nghiệm sơ cứu kịp thời để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm bạn nhé!