Tràn dịch khớp gối: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
Tác giả: Bui Ngan
Tràn dịch khớp gối là một bệnh lý khá phổ biến với biểu hiện dễ thấy nhất là sưng phù, đau nhức ở đầu gối. Bệnh này tuy không khó chữa nhưng nếu để lâu có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như xơ cứng khớp hay thậm chí phá hủy khớp. Nhận biết dấu hiệu, nguyên nhân gây bệnh có thể giúp bạn thực hiện phương pháp điều trị kịp thời hoặc có biện pháp phòng ngừa ngay từ sớm.
1. Tràn dịch khớp gối là gì?
Bình thường, ở khớp gối có một lượng nhỏ dịch nhầy được tiết ra với mục đích bôi trơn, giảm ma sát và nuôi dưỡng sụn khớp.
Tràn dịch khớp gối là một bệnh lý xảy ra khi khớp gối gặp chấn thương, nhiễm trùng hoặc té ngã, lượng dịch sẽ gia tăng bất thường, dẫn đến tình trạng bị tụ dịch ở trong các ổ khớp làm cho khớp xung quanh gối bị sưng tấy.
Tràn dịch ở khớp gối thường xảy ra khi dịch nhầy trong khớp gối tăng bất thường, tích tụ gây sưng phù.
2. Nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối
Dưới đây là những lý do giải thích tại sao đầu gối bị sưng vì dư thừa dịch nhầy:
- Nhiễm trùng: Khi cơ thể nhiễm phải một số vi khuẩn như khuẩn lao, Mycoplasma, virus hoặc vi nấm, các mô khớp đầu gối có thể tiết nhiều dịch một cách bất thường. Tình trạng nhiễm trùng trong khớp được gọi là viêm khớp nhiễm trùng.
- Bệnh lý về khớp: Các bệnh như viêm khớp, bệnh gút hoặc viêm khớp dạng thấp, viêm bao hoạt dịch khớp, nang bao hoạt dịch khớp, các bệnh rối loạn về tình trạng đông máu… gây hậu quả xấu là tràn dịch khớp gối.
- Chấn thương: Chấn thương dây chằng hoặc gãy xương là những ví dụ về chấn thương có thể dẫn đến tràn dịch ở đầu gối. Nguyên nhân gặp phải chấn thương do chơi thể thao quá sức hoặc hoạt động sai tư thế, ngã xe do va đập mạnh, vấp ngã cầu thang, tai nạn lao động.
- Thoái hóa khớp theo tuổi tác: Người trung niên và người già ngoài 50 tuổi thường có nguy cơ cao mắc các bệnh xương khớp, trong đó có tràn dịch khớp gối.
Thoái hóa xương khớp vốn dĩ là căn bệnh đã khá phổ biến, đặc biệt là với những người trên 40 tuổi. Thế nhưng, thế hệ người trẻ hiện nay vẫn có thể mắc phải căn bệnh này, điều này cho thấy bệnh đang có xu hướng trẻ hóa dần.…
- Béo phì: Trọng lượng tăng gây áp lực lên khớp gối trong thời gian dài không chỉ gây tràn dịch khớp mà còn làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề xương khớp khác.
3. Những dấu hiệu nhận biết tràn dịch khớp gối
Dấu hiệu rõ ràng nhất nhận biết tràn dịch khớp gối chính là hiện tượng sưng nề đầu gối kèm theo các cơn đau dai dẳng. Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác tùy thuộc vào nguyên nhân gây tràn dịch khớp, bao gồm:
- Bầm tím và chảy máu trong do gặp chấn thương (gãy xương, đứt dây chằng).
- Sốt, ớn lạnh, khó chịu và suy nhược cơ thể do nhiễm trùng.
- Các cơ xung quanh bị yếu dần đi, khiến khớp gối ngày càng không vững là kết quả của những chấn thương ở đầu gối.
Sưng phù đầu gối kèm theo những cơn đau dai dẳng là dấu hiệu nhận biết tràn dịch khớp gối rõ ràng nhất.
4. Các phương pháp điều trị khi khớp gối bị tràn dịch
Tràn dịch khớp gối có nguy hiểm không là thắc mắc của rất nhiều người. Thực tế, nếu tràn dịch khớp gối nhẹ phát hiện sớm hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, một số người chủ quan với bệnh này, không lo điều trị sớm nên dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ cứng, dính khớp, thậm chí phá hủy khớp do chọc hút dịch khớp gối nhiều lần gây nhiễm trùng. Bại liệt, tàn phế là biến chứng nặng nề nhất mà không ai mong muốn gặp phải.
Vì vậy, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu tràn dịch khớp gối, bạn hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế, phòng khám uy tín để được thăm khám và có phương pháp điều trị kịp thời. Dưới đây là những phương pháp điều trị tràn dịch khớp gối phổ biến:
4.1. Tự chăm sóc tại nhà
Khi đầu gối có dấu hiệu tràn dịch, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh diễn biến nặng hơn là để đầu gối nghỉ ngơi và thực hiện một số bước chăm sóc tại nhà:
- Hạn chế hoặc ngừng vận động sẽ giảm áp lực cho khớp gối, ngăn tình trạng tràn dịch, ngăn đầu gối thêm sưng to và phù nề.
- Kê chân cao hơn tim giúp lưu thông máu dễ dàng, giảm sưng.
- Chườm đá từ 15 – 20 phút để giảm sưng, hạn chế căng cơ và bầm tím. Đá nên đặt trong khăn ẩm hoặc bọc nilon, tuyệt đối không chườm đá trực tiếp.
- Thực hiện một số bài tập chân nhằm tăng cường sức mạnh các cơ xung quanh đầu gối. Người bệnh có thể áp dụng một số bài tập như bơi lội và thể dục nhịp điệu dưới nước có lực tác động thấp không gây căng thẳng cho đầu gối. Hoặc các bài tập co giãn cơ tại nhà có tác dụng rất tốt giúp phục hồi sự linh động của cơ bắp xung quanh khớp gối.
- Ăn uống đầy đủ, bổ sung dưỡng chất tốt cho sụn khớp như omega 3 (kháng viêm), glucosamine và chondroitin (tái tạo sụn khớp) đồng thời kiêng ăn thịt đỏ, nội tạng và tránh lạm dụng chất kích thích.
4.2. Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh và thuốc kháng viêm corticosteroid được bác sĩ chỉ định cho các bệnh nhân bị tràn dịch khớp gối. Tuy nhiên, một số thuốc có tác dụng phụ như corticoid nên trong quá trình sử dụng, bệnh nhân cần được theo dõi nghiêm ngặt bởi bác sĩ điều trị.
Thuốc giảm đau xương khớp là sự lựa chọn hàng đầu của các bệnh nhân khi xuất hiện các triệu chứng như tê mỏi, đau dữ dội hoặc âm ỉ các khớp. Nhờ đặc tính tiện lợi mà hiện nay có đa dạng loại thuốc giảm đau cho xương khớp,…
4.3. Chọc hút dịch khớp
Chọc hút là phương pháp tạm thời giúp lấy bớt lượng dịch thừa trong khớp làm giảm nhẹ triệu chứng cho bệnh nhân. Bác sĩ sử dụng thiết bị chuyên dụng đưa trực tiếp vào vùng khớp đang có dịch và hút dịch ra ngoài. Ngoài ra, chọc hút có thể kết hợp với tiêm kháng sinh để chống nhiễm trùng và làm khô vết thương.
4.4. Phẫu thuật
Đây là phương pháp cuối cùng thực hiện đối với những bệnh nhân tổn thương thoái hóa khớp quá nặng. Có 2 phương pháp phẫu thuật phổ biến là phẫu thuật nội soi và thay khớp gối nhân tạo. Tuy nhiên, phẫu thuật có nhiều rủi ro đặc biệt là sau khi thay khớp gối, người bệnh có thể chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, trật khớp, tắc mạch chân hoặc viêm mủ khớp gối.
4.5. Trị liệu thần kinh cột sống
Trị liệu thần kinh cột sống còn được gọi là Chiropractic là một phương pháp điều trị không dùng thuốc hay phẫu thuật mà bác sĩ sẽ sử dụng lực tay nhẹ nhàng để thao tác nắn chỉnh sai lệch ở cấu trúc cột sống – nguyên nhân làm mất cân bằng của cơ thể, gây áp lực lên khớp gối. Vậy nên việc nắn chỉnh khớp gối kết hợp với nắn chỉnh cột sống trong việc điều trị sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Hiện nay, phòng khám ACC là đơn vị tiên phong ứng dụng Trị liệu thần kinh cột sống trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn được kết hợp tập Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng nhằm đẩy nhanh quá trình hồi phục, sớm cải thiện khả năng vận động khớp gối.
Bác sĩ tại ACC đang thăm khám cho người bệnh bị đau nhức khớp gối.
5. Làm sao để phòng ngừa tình trạng tràn dịch khớp gối?
Để giảm thiểu khả năng bị tích dịch ở đầu gối, các bác sĩ khuyên bạn nên có ý thức bảo vệ xương khớp và ngăn ngừa tình trạng này xảy ra bằng cách:
- Lựa chọn các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe.
- Tránh vận động mạnh dồn lực vào đầu gối và không chạy trên các bề mặt gồ ghề có thể dẫn đến những chấn thương vùng đầu gối.
- Tập luyện một số bài tập tăng cường sức mạnh đầu gối như leo bậc thang hoặc lăn bóng bằng chân.
- Tập đúng động tác, chẳng hạn như Squat vì nếu sai tư thế có thể ảnh hưởng đến khớp gối.
- Duy trì cân nặng vừa phải, bổ sung thêm thực phẩm chứa Canxi, Kali, Magie, Vitamin nhóm B, C, E… tăng cường sức mạnh cho hệ xương khớp.
Trên đây là những thông tin về bệnh tràn dịch khớp gối, những nguyên nhân gây bệnh cũng như một số phương pháp điều trị phổ biến và cách phòng ngừa. Nếu nhận thấy những dấu hiệu của tràn dịch khớp gối, hãy đến ngay các phòng khám, bệnh viện để khám và có phương pháp điều trị sớm nhất nhé!
Tham khảo thêm kiến thức về tràn dịch khớp gối và cách điều trị qua video sau: