Thoái hóa khớp gối – Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
Tác giả: Bui Ngan
Thoái hóa khớp gối là một dạng bệnh lý về khớp khá phổ biến ở tuổi già. Tuy nhiên, bệnh này đang có dấu hiệu trẻ hóa bởi không phải ai cũng hiểu rõ về dấu hiệu, nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa thoái hóa ở phần khớp quan trọng này. Cùng tìm hiểu về thoái hóa khớp gối trong bài viết sau nhé!
1. Thoái hóa khớp gối là bệnh gì?
Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh lý liên quan đến khớp phổ biến hiện nay. Những dấu hiệu viêm khớp gối không xuất hiện cùng lúc mà tiến triển theo từng giai đoạn. Tổn thương khớp gối ảnh hưởng rất nhiều tới sinh hoạt hàng ngày, làm hạn chế khả năng di chuyển và hoạt động.
Cụ thể thoái hóa khớp là hiện tượng lớp đệm giữa các khớp xương – phần hỗ trợ quá trình di chuyển, co gập của xương khớp gối bị mài mòn dần theo thời gian. Tuy nhiên, bạn lại không bổ sung thêm “chất bôi trơn” cho phần đệm này khiến chúng mất dần đi. Từ đó, hai khớp xương tác động trực tiếp vào nhau gây ra hiện tượng cứng, đau và sưng nếu bạn tiếp tục hoạt động vùng này liên tục.
Bệnh thoái hóa khớp gối là bệnh lý thường gặp ở tuổi già. Lúc này, phần mô mềm đã hoạt động trong thời gian dài đã bị mài mòn nhiều nên không thể hoạt động tốt như trước được nữa. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các bác sĩ chuyên khoa, bệnh này đang có dấu hiệu trẻ hóa và diễn ra ngay trên cơ thể của người trẻ trong thời đại này. Đặc biệt, người béo phì hay người lao động chân tay liên tục và khuân vác nặng có nguy cơ cao mắc bệnh thoái hóa sớm.
Tìm hiểu thêm: Những điều bạn cần biết về bệnh thoái hóa xương khớp
2. Dấu hiệu của thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối phát triển theo 4 giai đoạn chính, mỗi giai đoạn sẽ bao gồm những dấu hiệu khác nhau:
Giai đoạn 1: Ở giai đoạn này, sự suy giảm chức năng của sụn chưa có biểu hiện rõ ràng nên bạn chưa nhận diện được. Không có cảm giác đau, nhức khi di chuyển. Đôi khi cảm thấy mỏi cơ mà thôi.
Giai đoạn 2: Đây được gọi là giai đoạn khởi phát của bệnh. Nếu tiến hành chụp X-quang phần khớp gối, bạn sẽ thấy khoảng cách giữa hai khớp xương ngắn hơn so với mình thường. Lúc này, xương vẫn chưa có dấu hiệu cọ xát với nhau khi di chuyển và vẫn còn đủ dịch khớp để có thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, ở giai đoạn 2, nếu tập luyện các bài tập chân nặng hoặc đi/chạy trong thời gian dài với khoảng cách xa, bạn sẽ thấy hơi cứng khi di chuyển khớp gối sau đó.
Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn thứ 2 của quá trình thoái hóa khớp. Sụn bắt đầu thể hiện mức độ tổn thương nhất định, khoảng cách giữa hai khớp xương thu hẹp rõ ràng. Người bệnh khi hoạt động nhiều về chân như đi, chạy, nhảy, quỳ… cảm thấy đau lập tức. Biểu hiện rõ nhất khi ngồi trong thời gian dài không đổi tư thế hoặc thức dậy vào buổi sáng. Có thể nhìn thấy khớp bị sưng nếu cử động liên tục.
Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn bệnh thoái hóa khớp đã chuyển biến xấu, là giai đoạn nghiêm trọng nhất. Lúc này, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau, nhức bất kỳ lúc nào họ di chuyển. Không gian giữa hai khớp xương có khả năng đã biến mất và gần như hai khớp dính chặt vào nhau. Sụn bị biến dạng khiến khớp cứng.
3. Nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp gối
Dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản khiến khớp gối bị thoái hóa theo thời gian:
- Do tuổi tác: Đối với người lớn tuổi, các khớp bị lão hóa. Phần dịch giữa hai khớp không có khả năng sản sinh tự nhiên được nữa dẫn đến việc thiếu hụt. Dần dẫn sụn bị mài mòn khiến cho hai phần khớp ma sát mạnh vào nhau khi di chuyển.
- Do lao động quá sức: Đối với người lao động nặng nhọc, lao động chân tay và phải mang vác nhiều thì phần dịch sụn không đủ thời gian để tái tạo và bù đắp cho lượng dịch đã sử dụng dẫn đến đau nhức. Đối với người thừa cân, điều này cũng tương tự. Các khớp xương nói chung và khớp gối nói riêng phải làm việc quá sức trong lúc di chuyển, hoạt động tay chân hay giữ thăng bằng. Việc đứng trên hai chân sẽ tạo ra một lực rất lớn tác động vào khớp gối khiến phần khớp này bị thoái hóa sớm.
- Do chấn thương: Sau chấn thương xảy ra trên khớp gối như đứt dây chằng, nứt hoặc vỡ xương đùi, xương bánh chè… thì khả năng hoạt động của khớp gối cũng bị ảnh hưởng và giảm năng suất hoạt động đáng kể. Đa số phần xương trên cơ thể không thể hồi phục hoàn toàn sau khi bị tổn thương.
Chấn thương đầu gối là một chấn thương thường gặp trong sinh hoạt, lao động và chơi thể thao. Có nhiều loại chấn thương đầu gối khác nhau và tùy theo nguyên nhân được xác định, bạn nên áp dụng cách sơ cứu và điều trị phù hợp để chủ…
- Do viêm nhiễm: Vi khuẩn trực tiếp xâm nhập vào khớp gối thông qua vết xước, vết rách trên da có thể khiến do vùng gối sưng tấy, đau đớn.
4. Cách điều trị thoái hóa khớp gối
Để chữa thoái hóa khớp gối, bạn có thể áp dụng những cách sau:
4.1. Bổ sung thực phẩm chức năng
Nếu bạn cảm thấy quá đau ở phần khớp gối, bạn có thể sử dụng một số thực phẩm giảm đau. Có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn như acetaminophen, ibuprofen, naproxen natri… Lưu ý, hạn chế dùng liên tục trong 10 ngày. Nếu sau 10 ngày mà cơn đau không thuyên giảm, các bạn nên đi khám tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế uy tín để được kê thuốc phù hợp. Ngoài ra, nên sớm sử dụng các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ hoạt động của khớp gối, duy trì sức khỏe cho phần khớp này như Glucosamine, Move Free, Jex, Blackmores…
4.2. Thay đổi chế độ vận động
Đối với các bạn thừa cân, điều đầu tiên cần làm là xây dựng lộ trình giảm cân kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp để giảm trọng tải cho khớp gối. Khi cân nặng vượt mức, khớp gối sẽ chịu áp lực nhiều hơn mức có thể chịu đựng được, dẫn đến tình trạng làm việc quá mức và không có đủ thời gian phục hồi.
Ngoài ra, thực hiện tập thể dục thường xuyên với cường độ tập vừa sức. Tích cực luyện tập các bài tập thoái hóa khớp gối sẽ hỗ trợ tăng cường sự linh hoạt cho các nhóm cơ xung quanh đầu gối. Một số bài tập gợi ý:
- Giãn cơ: Dùng dây vòng qua lòng bàn chân, kéo dãn chân đến khi có cảm giác căng ở phần mặt sau đầu gối, giữ chân thẳng trong 30 giây.
- Tập cơ mông: Nằm sấp, siết chặt cơ mông, hai chân nâng nhẹ lên trên, giữ khoảng 3 – 5 giây.
- Tập cơ bắp chân: Chống hai tay vào tường. Một chân bước lên trước, chân còn lại duỗi ra sau. Hạ thấp cơ thể đến khi thấy căng cơ bắp chân sau. Giữ trong 30 giây và đổi chân.
Khi tập, cần lưu ý một số điểm sau:
- Tập với cường độ vừa phải (khoảng 30 phút/ngày).
- Thực hiện đúng theo hướng dẫn.
- Nếu có sử dụng thuốc giảm đau, dùng trước khi tập 45 phút.
4.3. Phương pháp trị liệu vật lý
Phương pháp Trị Liệu Cột Sống Chiropractic là phương pháp trị liệu vật lý hiệu quả và an toàn. Thông qua những phương pháp nắn khớp chuyên sâu, các đốt sống sẽ được đưa về đúng vị trí cố định để tăng cường chất lượng vận động của người bệnh. Nguyên lý hoạt động của phương pháp này dựa trên sự am hiểu về vị trí và cấu tạo toàn bộ hệ thống xương khớp trên cơ thể, kéo dài từ đốt sống xương cổ đến phần xương cụt cuối cùng. Chiropractic là cách điều trị tất cả các bệnh xương khớp phù hợp với mọi lứa tuổi. Nếu có dấu hiệu đau nhức xương khớp dù già hay trẻ thì đều có thể sử dụng phương pháp này để cải thiện.
4.4. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố bổ trợ hiệu quả trong quá trình điều trị chứng viêm khớp, lão hóa khớp. Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C, K, D để tăng cường quá trình hấp thụ canxi dễ dàng hơn.
- Vitamin C giúp quá trình tạo sợi collagen nhanh hơn, tăng khả năng chống oxy hóa để bảo vệ xương. Vitamin C có trong rau củ quả và các loại trái cây tươi.
- Vitamin D giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa canxi trong cơ thể. Vitamin D có trong cá, gan cá, trứng gà, sữa…
- Vitamin K bao gồm 3 loại K1, K2 và K3. Trong đó, vitamin K2 là loại vitamin cần thiết cho xương, hỗ trợ kích hoạt chất osteocalcin để canxi có thể bám vào xương. Có thể cung cấp K2 thông qua sữa chua, phô mai, trứng, thịt…
4.5. Tiêm nội khớp
Tiêm nội khớp là một trong những phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp gối. Người bệnh sẽ tiến hành tiêm nội khớp khi có chỉ định của bác sĩ. Nguyên lý hoạt động của phương pháp này là chỉ tiếp cận với vùng khớp đang bị tổn thương thay vì toàn bộ cơ thể. Thuốc tiêm đưa trực tiếp vào vị trí khớp gối đang bị thoái hóa qua đường tiêm. Một số loại thuốc tiêm thường dùng như hyalgan, diprospan, steroid… Tất cả các thuốc này đều phải tiêm với liều lượng chuẩn xác theo quy định của bác sĩ chuyên khoa.
4.6. Phẫu thuật
Có 3 phương pháp phẫu thuật khớp cơ bản:
Nội soi khớp: Phương pháp này được thực hiện bằng cách rạch một vết mổ nhỏ tại vị trí cần điều chỉnh khớp xương. Sau đó, bác sĩ sử dụng máy nội soi và các dụng cụ y khoa để loại bỏ phần sụn hư tổn, điều chỉnh vị trí xương lệch, nối lại dây chằng, làm sạch bề mặt… Hàng loạt thao tác này sẽ được thực hiện cùng một lúc để giảm thiểu thời gian phẫu thuật. Phương pháp này áp dụng cho bệnh nhân dưới 55 tuổi.
Phẫu thuật cắt xương: Phương pháp này sẽ làm thay đổi hình dạng gốc của xương, loại bỏ phần xương hư tổn nặng, tạo lại liên kết giữa các phần xương do viêm nhiễm, gãy, vỡ nặng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ mang tính chất tạm thời và không trị được dứt điểm tình trạng thoái hóa.
Phẫu thuật thay khớp hoặc tạo hình khớp: Tương tự cắt xương, đây cũng là một thủ thuật thay đổi, điều chỉnh hình dáng khớp xương để chữa thoái hóa khớp. Có thể thay thế phần khớp cũ bằng khớp nhân tạo. Tùy thuộc vào mức độ hư tổn, có thể thay một hoặc cả hai khớp gối. Phương pháp thay khớp hoặc tạo hình dành cho người trên 50 tuổi và đang chịu đựng tình trạng thoái hóa khớp nặng. Thời gian sử dụng kéo dài trong trên 20 năm.
Xem thêm: Tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ
5. Cách phòng tránh thoái hóa khớp gối
Để phòng tránh bệnh thoái hóa khớp gối, bạn cần:
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục giúp kích thích phần dịch sụn hoạt động giúp bôi trơn giữa các khớp gối. Cần lưu ý luyện tập với cường độ nhẹ nhàng và phù hợp. Tránh luyện tập quá sức. Duy trì luyện tập tối đa 5 lần/tuần và 30 phút/lần.
- Chế độ ăn uống khoa học: Chế độ dinh dưỡng phù hợp tạo điều kiện tái tạo và nhanh chóng phần dịch giữa hai khớp, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để chống lại các tác nhân có hại gây viêm khớp.
- Kiểm soát cân nặng (BMI <23): Giữ mức cân nặng bình thường để hạn chế áp lực trọng lượng lên hai khớp gối khiến phần sụn bị mài mòn nhanh.
- Tránh giữ nguyên tư thế quá lâu: Khi giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài, phần khung xương và sụn bị biến dạng. Vì vậy, khi chuyển sang tư thế khác, bạn dễ bị mỏi khớp, đau khớp.
- Xoa bóp khớp gối: Sau khi tập thể thao hoặc hoạt động mạnh phần khớp gối, cần thực hiện thao tác xoa bóp khớp gối. Xoa bóp giúp giảm đau và hồi phục phần gối bị tổn thương sau vận động.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các triệu chứng bệnh và giải quyết lập tức. Tránh để tình trạng đau, nhức gối kéo dài.
6. Gợi ý thực phẩm tốt cho người bị thoái hóa khớp gối
Khi bị thoái hóa khớp gối, chế độ thực phẩm giàu dinh dưỡng đem lại rất nhiều lợi ích trong quá trình điều trị. Một số thức ăn bổ dưỡng và tốt cho vùng khớp tổn thương:
- Cá nước lạnh: Đa số các loại cá đều chứa vitamin D. Đây là một loại vitamin quan trọng trong việc hấp thụ và chuyển hóa canxi trong cơ thể, làm giảm tình trạng loãng xương và tăng cường đề kháng cho xương.
- Nước hầm xương: Trong nước hầm xương từ thịt, cá… có chứa glucosamine. Đây là một chất giúp làm dịu cơn đau khớp hay xương, kích thích sản xuất dịch sụn, giảm viêm và hạn chế kích ứng.
- Thực vật: Loại rau màu xanh lá như các loại cải, khoai tây… chứa nhiều vitamin K, Mg và canxi tốt cho sự phát triển và tái tạo của xương.
- Trái cây: Chuối, sung, quýt, dâu tây… là những loại trái cây chứa nhiều vitamin K, C cũng như canxi. Đây là những thành phần rất tốt cho sự phát triển của xương. Đối với trẻ em, chất này giúp giảm còi xương, gãy xương. Đối với người lớn, những chất này hạn chế loãng xương và các rối loạn về xương.
- Chất béo lành mạnh: Các thực phẩm như bơ, socola, hạt chia, oliu… chứa chất béo lành mạnh. Chất béo này bổ sung rất nhiều canxi – một thành phần cần thiết cho xương khỏe mạnh. Ngoài ra, còn nhiều chất cần thiết khác như vitamin B12, phốt-pho, selen… hỗ trợ hệ tiêu hóa và hệ thần kinh.
Người đang đối mặt với thoái hóa khớp gối cần hạn chế ăn thực phẩm nhiều muối, nhiều đường, đồ ăn đóng hộp và chất kích thích bởi chúng sẽ tiết ra nhiều thành phần có hại như natri, sulfit, gluten… trong cơ thể, đẩy nhanh quá trình lão hóa xương.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về thoái hóa khớp gối, mời bạn cùng lắng nghe chia sẻ của bác sĩ qua video sau:
Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã biết được dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị cũng như cách phòng chống bệnh thoái hóa khớp gối. Bạn nên nhận biết và tìm hiểu sớm về những triệu chứng của bệnh lý này để có cách phòng ngừa và điều trị kịp thời trước khi nó chuyển biến nặng và ảnh hưởng để chất lượng đời sống của bạn.
>> Có thể bạn quan tâm:
Đau đầu gối: 5 điều cần biết về căn bệnh đau nhức khớp gối
Tràn dịch khớp gối: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa