Đau bả vai gáy lan xuống cánh tay: 4 điều bạn cần phải biết
Tác giả: Nguyễn Thy
Đau bả vai gáy lan xuống cánh tay thường bị lầm tưởng là do cơ bắp hoạt động quá mức nên gây đau nhức, mỏi vai. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng tình trạng này là một trong những dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang mắc phải bệnh lý tổn thương xương khớp. Nếu người bệnh chủ quan, để lâu không điều trị có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.
1. Giải đáp “Đau bả vai gáy lan xuống cánh tay là bệnh gì?”
Đau bả vai gáy lan xuống cánh tay là bệnh lý liên quan xương khớp xảy ra do dây thần kinh cổ đang chịu một áp lực hoặc bị chèn ép. Bệnh thường biểu hiện bằng những cơn đau nhức ở vùng vai gáy, sau đó lan dần xuống một bên cổ gây khó khăn khi vận động quay cổ, quay đầu. Đặc biệt, chứng đau bả vai gáy lan xuống cánh tay thường xuất hiện một cách đột ngột hoặc sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng hoặc bị nhiễm lạnh.
2. “Bắt ngay” nguyên nhân gây đau vai gáy lan xuống cánh tay
Trước thực trạng ngày càng có nhiều người bị đau bả vai gáy, các bác sĩ chuyên khoa đã đúc kết ra hai nguyên nhân chủ yếu làm xuất hiện tình trạng này là:
– Nguyên nhân bệnh lý
Phần lớn, tình trạng đau nhức vai gáy lan xuống cánh tay xuất phát do một số bệnh lý mà chúng ta không ngờ tới, có thể kể đến như:
- Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Hay còn gọi bệnh trượt đĩa đệm ở vùng cổ, là hiện tượng bao xơ bên ngoài đĩa đệm bị rách khiến nhân nhầy tràn ra ngoài, chèn ép lên rễ thần kinh, tủy sống. Từ đó, dẫn đến vùng cổ vai gáy xuất hiện các cơn đau nhức khó chịu, đi kèm cảm giác tê ngứa khi vận động.
- Viêm quanh khớp vai: Khớp xương bị viêm là tác nhân dẫn đến các cơn đau bả vai gáy lan xuống cánh tay, làm cản trở mọi hoạt động cũng như để lại cảm giác đau đớn, khó chịu khiến người bệnh mất ngủ, mệt mỏi, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống.
- Thoái hóa cột sống cổ: Là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi, người làm việc văn phòng, ít vận động hoặc phải cúi đầu nhiều. Dấu hiệu nổi trội của bệnh là xuất hiện cơn đau vai gáy không báo trước, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi đau nhức, ngay cả khi nghỉ ngơi mọi cử động cũng đều gây đau đớn.
– Nguyên nhân lối sống
Không chỉ xuất phát từ các bệnh lý xương khớp, đau vai gáy lan xuống cánh tay còn khởi phát do người bệnh có thói quen sinh hoạt không lành mạnh, lối sống thiếu khoa học gây nên.
- Vận động nhiều quá mức: Các cơ xung quanh vai và cánh tay khi phải làm việc hoặc vận động nhiều, thường lặp đi lặp lại một tư thế về lâu dài sẽ trở nên yếu, dễ bị co thắt và gây nhói đau khi cử động.
- Bị nhiễm lạnh: Thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể không giữ đủ ấm có thể ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu, khiến máu lưu thông khó khăn ở khu vực cổ, vai gáy. Từ đó, dẫn đến những cơn đau vùng bả vai và cánh tay nghiêm trọng.
- Ngồi hoặc làm việc sai tư thế: Thường xuyên nằm ngủ trong tư thế nghiêng, đè lên cánh tay hay ngồi vẹo, gù lưng đều gây hiện tượng căng cứng, đau nhức vùng cổ phía sau vai gáy.
3. Cảnh giác với các biến chứng của đau bả vai gáy
Đau vai gáy lan xuống cánh tay có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ cơn đau. Nếu cơn đau xuất hiện do lối sống không lành mạnh thì người bệnh có thể yên tâm là nó không mấy nguy hiểm. Mặc dù ban đầu có thể gặp khó khăn trong các cử động vùng cổ, vai gáy. Tuy nhiên, khi bệnh nhân điều chỉnh lại nhịp sống, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng, không khuân vác vật nặng quá sức… thì tình trạng có thể cải thiện sau một thời gian.
Về trường hợp bị đau bả vai gáy lan xuống cánh tay do bệnh lý tổn thương ở khu vực này thì người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín, an toàn để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị bệnh kịp thời. Bởi nếu chủ quan, lơ là bệnh có khả năng tiến triển xấu và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: teo cơ, bại liệt cánh tay, thiếu máu não, rối loạn thần kinh thực vật,…
4. Mẹo chữa đau bả vai trái, phải lan xuống cánh tay
Có thể nhận thấy, khi mắc phải chứng đau bả vai gáy lan xuống cánh tay người bệnh không chỉ cảm thấy phần vai tê cứng, buốt khi vận động mà còn xuất hiện cơn đau âm ỉ và dữ dội.
Vậy, để cải thiện cơn đau nhức bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây:
4.1. Nghỉ ngơi nhiều hơn
Để tránh gây áp lực lên vùng cánh tay và bả vai, người bệnh nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi cũng như hạn chế làm việc quá sức. Tốt nhất, để không làm các khớp bị xơ cứng do ít vận động thì thời gian nghỉ tốt nhất chỉ nên kéo dài trong khoảng 1 – 2 ngày.
4.2. Vật lý trị liệu
Nhằm tăng cường sức mạnh cho khớp vai, người bệnh nên vận động cơ thể bằng các bài tập vật lý trị liệu tại nhà. Song, để đạt hiệu quả chữa khỏi cơn đau bả vai gáy lan xuống cánh tay, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và tư vấn liệu trình tập luyện phù hợp.
4.3. Uống thuốc giảm đau
Một số loại giảm đau không kê đơn như ibuprofen, acetaminophen có thể giảm nhẹ cơn đau, giảm sưng viêm với những trường hợp bị đau bả vai gáy lan xuống cánh tay nhanh chóng. Tuy vậy, việc dùng thuốc có thể gây tác dụng phụ có hại cho dạ dày, thận và gan. Do đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng và tuân theo liều lượng đã được chỉ định.
4.4. Xoa bóp
Việc massage, xoa bóp nhẹ nhàng quanh vùng bả vai, kéo dài xuống cánh tay là cách giúp cơ bắp được thư giãn và làm dịu cơn đau hiệu quả. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể kết hợp chườm lạnh bằng túi đá lên vị trí đau trong khoảng thời gian từ 15 – 20 phút/3 lần mỗi ngày để giảm dần cơn đau.
Tóm lại, đau bả vai gáy lan xuống cánh tay có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm khó lường nếu người bệnh chủ quan, xem thường. Tốt nhất, khi nhận thấy cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm, đi kèm triệu chứng tê cứng vai và cánh tay thì bạn nên mau chóng tìm đến sự chăm sóc y tế để được hỗ trợ kịp thời.