TOP 5 bệnh văn phòng phổ biến không thể bỏ qua
Tác giả: Nguyễn Thy
Bệnh văn phòng (hay còn gọi là hội chứng bệnh văn phòng) là thuật ngữ chỉ về các loại bệnh khác nhau, có liên quan đến môi trường làm việc và tính chất sinh hoạt tại văn phòng. Đây cũng là hội chứng ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, cần chủ động khám bác sĩ sớm để ngăn ngừa nguy hại cho sức khỏe. Dưới đây là TOP 5 bệnh văn phòng phổ biến nhất hiện nay mà bạn không nên “ngó lơ”.
1. Thoái hóa cột sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý xương khớp mạn tính, thường gặp ở người lớn tuổi nhưng ngày nay, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh ngày càng gia tăng và phổ biến đối với nhân viên văn phòng.
Nguyên nhân là do thói quen hoạt động sai tư thế (ngồi quá thấp so với bàn làm việc, đầu nghẹo sang một bên hoặc ngửa đầu ra ghế khi ngủ), cùng với giờ ăn trưa vội vàng nơi công sở (ăn uống thiếu chất Canxi, Magie và vitamin D) khiến tổ chức sụn và khớp ở cột sống cổ bị bào mòn. Lâu ngày gây đau mỏi vai, cứng gáy cổ và thoái hóa cột sống cổ.
Thoái hóa cột sống cổ khiến người bệnh cảm thấy đau nhức ở vùng trán, vùng thái dương và hai hố mắt vào buổi sáng. Đôi khi, tê mỏi cánh tay do dây thần kinh cánh tay bị chèn ép, kèm theo triệu chứng ù tai, nhức đầu, hoa mắt và chóng mặt. Chụp X – quang có thể thấy đường cong sinh lý của cột sống bị biến dạng. Đồng thời, xuất hiện cơn đau mỏi gáy, đau tăng khi người bệnh căng thẳng, đi đứng, ngồi, ho, hắt hơi, thời tiết thay đổi và giảm xuống khi nghỉ ngơi.
Để giữ cho cột sống cổ khỏe mạnh, dân văn phòng nên thay đổi thói quen làm việc, tránh ngồi lâu ở một tư thế hoặc mang vác vật nặng. Tốt nhất, bạn nên đứng dậy đi lại khoảng 5 phút sau mỗi giờ làm việc, hoặc ngồi dựa lưng và ngả ghế ra sau, để tránh áp lực quá tải.
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng các bài tập cho cổ và lưng tại nơi làm việc hoặc ở nhà. Các thực phẩm giàu axit béo Omega-3, chất chống oxy hóa, Glucosamine hay Canxi nên được bổ sung mỗi ngày để tăng cường sức khỏe sụn khớp, bảo vệ cột sống khỏi nguy cơ thoái hóa.
2. Đau khớp mạn tính
Do ngồi quá nhiều trong thời gian dài nên nhân viên văn phòng còn gặp phải tình trạng đau khớp mạn tính. Thông thường, các cơ bắp ở chân và hông, bao gồm cơ mông, cơ gân kheo và cơ tứ đầu đùi là nhóm cơ chính giữ vai trò ổn định tư thế ngồi. Tuy nhiên, nếu không vận động thường xuyên có thể khiến các cơ căng cứng, co rút và kém linh hoạt. Về lâu dài, điều này gây ra biến chứng đau khớp, cứng khớp và thoái hóa cấu trúc khớp sớm.
Có nhiều phương pháp giúp giảm đau khớp cho nhân viên văn phòng. Trong đó, sử dụng thuốc giảm đau, vật lý trị liệu hoặc đôi khi phẫu thuật là những biện pháp phổ biến. Nhưng để đảm bảo an toàn, ngăn ngừa nguy hại cho sức khỏe, bạn nên tuân theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, kết hợp biện pháp vận động, sinh hoạt và tư thế làm việc đúng cách để cải thiện tình trạng đau khớp.
3. Đau nhức đầu
Môi trường làm việc văn phòng, với đặc thù ngồi lâu, nhìn vào màn hình máy tính trong thời gian dài, không gian chật hẹp và kém thông khí là những nguyên nhân gây nên chứng đau đầu của bạn. Biểu hiện thường gặp của đau đầu là tình trạng khó chịu, bứt rứt trong người, kèm theo chóng mặt, choáng váng, xây xẩm mặt mày và đi đứng không vững. Nếu kéo dài không điều trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ, bao gồm chứng rối loạn trí nhớ, giảm tập trung, sa sút trí tuệ, đột quỵ não và thậm chí tử vong.
Để khắc phục bệnh đau đầu khi làm việc văn phòng, người bệnh nên giữ tinh thần thoải mái, tránh áp lực căng thẳng quá nhiều. Hãy chú ý điều chỉnh tư thế ngồi hợp lý, giữ khoảng cách từ mắt đến màn hình trong điều kiện lý tưởng, để giảm khô mắt và nhức mỏi. Làm việc khoảng một giờ, bạn nên nghỉ ngơi 5 – 10 phút và tốt nhất nên thư giãn để hạn chế đau đầu, chứ không nên lạm dụng thuốc giảm đau.
4. Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là bệnh văn phòng thường gặp nhưng dễ bị bỏ qua. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, đa phần là người gõ bàn phím nhiều, bấm chuột hoặc bấm điện thoại thường xuyên. Trong đó, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới hiện nay.
Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi mô xung quanh gân gập bị sưng lên, gia tăng áp lực khiến dây thần kinh ở cổ tay bị chèn ép. Triệu chứng điển hình của hội chứng ống cổ tay là cảm giác đau nhức lan xuống ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa hoặc ½ ngón đeo nhẫn, kèm theo cơn tê buốt như kiến bò hoặc kim châm.
Tùy trường hợp, người bệnh còn đau mỏi lan ra cổ tay, lòng bàn tay và cánh tay, dẫn đến khó thực hiện động tác khéo léo, phải thường xuyên lắc bàn tay để giảm khó chịu. Để phòng ngừa hội chứng ống cổ tay, bác sĩ khuyên rằng dân văn phòng nên xoay cổ tay vòng tròn 1 – 2 phút sau mỗi giờ làm việc. Không nên bấm chuột hoặc đánh máy tính quá lâu trong thời gian dài.
5. Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, chèn ép vào ống sống hoặc rễ dây thần kinh, từ đó gây ra đau cột sống. Ngày nay, thoát vị đĩa đệm là một trong những căn bệnh phổ biến ở nhân viên văn phòng.
Với thói quen ngồi nhiều, ít vận động, hay tập trung nhìn vào màn hình máy tính, cột sống của người bệnh dễ bị suy yếu, lâu ngày tạo áp lực dồn ép lên đốt xương, khởi phát cơn đau không dứt. Ở giai đoạn đầu, cơn đau lan từ cổ xuống hai cánh tay, hoặc từ lưng lan xuống hông và hai chi dưới. Nhưng nếu không chữa trị sớm, để bệnh diễn ra trong thời gian dài thì tay chân của người bệnh trở nên yếu liệt, vận động kém linh hoạt.
Để chữa tận gốc thoát vị đĩa đệm, các chuyên gia khuyến khích người bệnh nên ưu tiên phương pháp điều trị bảo tồn, không xâm lấn. Trong đó, nổi bật là phương pháp Trị liệu Thần kinh Cột sống (Chiropractic) được ứng dụng thành công ở các nước phát triển hiện nay.
Với thao tác nắn chỉnh bằng tay, các bác sĩ chuyên môn tiến hành nắn chỉnh nhẹ nhàng cấu trúc sai lệch của đĩa đệm về đúng vị trí ban đầu, giảm chèn ép dây thần kinh. Từ đó, cơ thể tự phục hồi trạng thái tự nhiên, thậm chí tự điều chỉnh bệnh tật ở cơ quan mà không phải dùng thuốc hay phẫu thuật.
Trên đây là TOP 5 bệnh văn phòng phổ biến nhất hiện nay mà bạn không nên bỏ qua. Để phòng ngừa bệnh xương khớp hiệu quả, nhân viên văn phòng nên điều chỉnh thói quen làm việc và sinh hoạt đúng tư thế. Song song đó, một chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ vi chất nên áp dụng mỗi ngày để tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ thoái hóa.