Đừng chủ quan với tình trạng mất nước cơ thể
Tác giả: huong
75% cơ thể chúng ta được cấu tạo từ nước. Nước rất cần thiết để duy trì sự sống. Nếu tình trạng mất nước cơ thể xảy ra, toàn bộ chức năng chuyển hóa của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
- Truyền nước mất bao lâu và nên lưu ý những gì?
- Một số cách chống mất nước khi bị tiêu chảy tại nhà
- Da mất nước là gì và hướng khắc phục?
Biểu hiện khi cơ thể mất nước
Da khô: Mặc dù lượng nước cung cấp cho cơ thể không đủ nhưng lượng nước ở da vẫn cứ bị bay hơi mỗi khi chúng ta hoạt động khiến da bị khô..
Hơi thở có mùi hôi: Cơ thể mất nước ngăn ngừa tiết ra nước bọt. Nước bọt có tính kháng khuẩn cao. Nếu thiếu nước bọt thì các vi khuẩn sẽ tấn công và phát triển mạnh hơn. Vì vậy, hơi thở có mùi hôi là điều khó có thể tránh khỏi.
Sốt và lạnh: Khi bạn mất nước, cơ thể bạn có thể phản ứng bằng cách sốt cao và rét run. Tuy nhiên, dấu hiệu này rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác nên nhiều người khó nhận biết.
Chuột rút: Mất nước cơ thể đồng nghĩa với việc thay đổi các chất khoáng (natri, kali) và chất điện phân. Khi các chất này rối loạn dẫn đến hiện tượng chuột rút cơ bắp.
Thèm ăn ngọt: Sự thiếu hụt nước khiến nguồn năng lượng tạo ra không đủ. Bạn luôn có cảm giác thèm ăn đồ ngọt để bổ sung năng lượng.
Nguyên nhân mất nước cơ thể?
Căng thẳng: Khi bạn làm việc quá độ, rơi vào trạng thái căng thẳng và mệt mỏi, tuyến thượng thận cũng trở nên suy kiệt vì phải liên tục sản xuất kích thích tố căng thẳng. Nếu tình trạng này kéo dài, khi suy thượng thận dễ dẫn đến mất nước và chất điện giải.
Bệnh tiểu đường: Một khi lượng đường huyết trong máu quá cao, cơ thể đào thải chúng qua nước tiểu và gây nên tình trạng khử nước. Vì vậy, khát nước và đi tiểu thường xuyên là vấn đề dễ gặp ở những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường.
Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc có tác dụng phụ đổ nhiều mồ hôi, đi tiểu liên tục khiến cơ thể mất nước. Thông thường là các thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống buồn nôn làm trở ngại sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể.
Tuổi cao: Khi tuổi càng cao thì cơ thể càng khó giữ nước. Bởi khi đó khả năng điều tiết và lưu trữ nước của các cơ quan đã giảm sút. Đây là lý do vì sao người cao tuổi thường dễ mất nước cơ thể hơn khi còn trẻ.
Hậu quả nghiêm trọng khi mất nước
Nhiệt chấn thương: Mỗi hoạt động của bạn dù nặng hay nhẹ có thể khiến bạn đổ nhiều mồ hôi, chuột rút, say nắng, đe dọa tính mạng.
Động kinh: Co thắt cơ bắp và mất ý thức là một trong những hậu quả đáng sợ nhất. Bởi mất nước khiến một số chất điện giải mất cân bằng làm rối loạn quá trình truyền dẫn.
Suy thận: Đây là một biến chứng đáng sợ nhất. Khi chức năng lọc và đào thải của thận bị suy giảm hoặc hoàn toàn mất hết chức năng. Chứng suy thận đe dọa trực tiếp đến tính mạng bất cứ lúc nào.
Cơ thể bị sốc: Hiện tượng này xảy ra khi lượng oxy trong cơ thể tụt giảm trầm trọng, huyết áp tụt quá mức.
Hôn mê và tử vong: Mất nước lâu ngày, kinh niên dẫn đến nhiều biến chứng đột ngột và tử vong là hoàn toàn có thể xảy ra.
Mất nước uống gì?
Cơ thể người bình thường cần 1.500-2.500 ml nước/ngày. Để phòng tình trạng mất nước cơ thể, mỗi chúng ta hãy tập thói quen uống nước thường xuyên. Thế nhưng nên uống từ từ mỗi lần một lượng vừa đủ. Tuyệt đối tránh uống một lúc với lượng nước quá lớn vì rất dễ phá đi sự cân bằng của nước và chất điện giải.
Ngoài ra để bù đắp lượng nước kịp thời trong thời gian ngắn, bệnh nhân mất nước có thể uống nước muối đường, nước dừa hoặc nước cháo loãng, nước biển khô hoặc oresol. Oresol là một loại thuốc đặc hiệu có tác dụng bù nước và điện giải.
Lưu ý khi pha oresol:
– Liều lượng nên pha 27,9 gram thuốc với 1 lít nước. Không pha lỏng hơn hoặc ít hơn có thể ảnh hưởng áp suất thẩm thấu hoặc gây tiêu chảy.
– Khi pha không dùng nước khoáng. Vì trong thành phần nước khoáng có một số chất điện giải.
– Sau khi pha xong, không nên đun sôi sẽ làm mất tác dụng.
Lưu ý khi pha nước muối đường, theo tỷ lệ: 1 thìa muối + 8 thìa đường + 1 lít nước.
Mỗi chúng ta không nên quá chủ quan với tình trạng mất nước cơ thể. Nhất là đối tượng người già, trẻ em và người ốm càng lưu ý. Lượng nước mất đi mỗi ngày nếu không được bù đắp kịp thời sẽ dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực ảnh hưởng sức khỏe. Vì vậy, đừng quên thói quen uống 8 ly nước mỗi ngày để bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể bạn nhé!
Theo Khoe.online tổng hợp