Truyền nước biển mất bao lâu và khi nào cần truyền nước?

Tác giả: sites

Truyền nước biển là một trong những biện pháp hỗ trợ trong y tế để giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn khi điều trị.

Hiện nay, biện pháp truyền nước thường được nhiều người sử dụng mỗi khi cơ thể mệt mỏi, suy nhược. Tuy vậy, phương pháp này có thực sự an toàn? Bình quân thời gian truyền nước mất bao lâu?

1. Truyền nước biển mất bao lâu?

Các loại truyền nước và thời gian truyền
Các loại truyền nước và thời gian truyền

Nhiều người thường nhầm tưởng truyền nước với truyền dịch. Thực chất đây là các loại truyền hoàn toàn khác nhau, truyền nước là một loại nằm trong nhóm truyền dịch.

Dịch truyền là loại dung dịch hòa tan chứa nhiều chất khác nhau có thể truyền chậm hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch của người bệnh. Nước cất là dung môi được sử dụng phổ biến để hòa tan dược chất. Hiện có khoảng trên 20 loại dịch truyền được chia thành 4 loại chính:

– Dịch truyền bù nước và cân bằng chất điện giải, dung dịch gồm một số thành phần như natri clorid đẳng trương 0,9%, dung dịch Ringer lactat; dung dịch kali clorid 2%… Có tác dụng bù nước, hỗ trợ bệnh nhân bị mất nước, mất cân bằng điện giải, mất máu…

– Dung dịch cung cấp các chất dinh dưỡng như: dung dịch glucose đẳng trương 5%, glucose ưu trương 20% hoặc 30%; hỗn hợp các acid amin (như alvesin, moriamin), vitamin và muối khoáng (như vitaplex)… Chia làm 2 loại:

  • Dịch ngọt cung cấp năng lượng cho cơ thể từ 5% tới 30%.
  • Dịch cấp chất đạm, chất béo và vitamin dùng cho những người bị suy dinh dưỡng nặng.

– Dịch thay thế huyết tương, dung dịch chứa albumin hay dung dịch cao phân tử… dùng trong những trường hợp cần bù nhanh albumin hoặc lượng tuần hoàn trong cơ thể. Giúp duy trì huyết áp, chống trụy tim mạch, như: huyết tương khô (plasma sec), dextran, subtosan.

– Dịch chống toan, kiềm huyết có natri hydrocarbonat 1,4%

Để trả lời câu hỏi truyền nước mất bao lâu thì còn tùy thuộc vào loại dây truyền, có hai loại chính là dây to 1 ml có 15 giọt và loại nhỏ hơn 1 ml có 20 giọt. Muốn biết truyền nước mất bao lâu thì phải tính theo công thức là lấy thể tích dịch truyền nhân cho số giọt trong 1 ml rồi chia cho tốc độ truyền là được.

2. Mối nguy hiểm khi vô nước biển không kiểm soát

Thói quen truyền nước biển mỗi khi cơ thể suy nhược, chán ăn, khó ngủ thường được nhiều người áp dụng, và cho rẳng đây là cách hồi phục cơ thể nhanh chóng nhất. Tuy vậy, đây lại là quan niệm hoàn toàn sai lầm, truyền nước mà chưa có sự đề nghị của bác sĩ có thể dẫn đến các tình trạng sốc phản vệ, lây nhiễm nhiều loại virus với  nguy cơ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và tính mạng rất cao do phải thường xuyên tiếp xúc với mũi tiêm để truyền nước.

Được biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra số liệu chứng minh có trên 16 triệu trường hợp bị nhiễm viêm gan B, 4,5 triệu trường hợp bị nhiễm viêm gan C và hơn 150,000 ca nhiễm HIV thông qua đường tiêm truyền.

Lạm dụng truyền dịch có thể gây ra những nguy hiểm sau đây:

– Nguy cơ nhiễm trùng cao do thường xuyên tiếp xúc với mũi tiêm, nếu không được điều trị cẩn thận có thể gây biến chứng từ các vết tiêm.

– Cơ hội cho nhiều loại virus nguy hiểm xâm nhập vào cơ thể qua đường máu như virus viêm gan, virus HIV…

– Các hiện tượng sốc phản vệ, phản ứng phụ với dung dịch truyền vào cơ thể dẫn đến các tình trạng hôn mê sâu, chết não và nguy cơ tử vong.

– Khi truyền dịch với quá nhiều tạo áp lực cho tim và phổi dẫn đến mệt, khó thở, suy tim, phù phổi cấp. Tai biến này thường xảy ra ở các người già, người từng có tiền sử mắc các bệnh về tim, phổi, trẻ em…

3. Khi nào thì cần truyền nước biển?

Các trường hợp cần truyền nước
Các trường hợp cần truyền nước biển

Vô nước biển chỉ nên sử dụng khi thật sự cần thiết, đúng lúc và đúng bệnh, nếu không sẽ gây ra nhiều tai biến nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Việc vô nước cần dựa vào các tình huống sau:

– Thể tích dịch trong cơ thể bị mất nhiều như khi sốt cao, ói mửa, tiêu chảy, chấn thương gây chảy máu, bỏng…

– Người bệnh không ăn uông được, suy kiệt, hôn mê sâu, phẫn thuật đường ruột… thì cần truyền nước để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể.

– Một số thuốc không thể tiêm thẳng vào mạch máu nên phải pha loãng và truyền từ từ vào cơ thể qua đường truyền nước.

– Mất các chất điện giải như natri, kali, canxi… một cách nghiêm trọng thì cũng cần truyền nước để bù lại.

Khi chọn lựa truyền nước hay truyền dịch, phải đảm bảo có được sự cho phép của bác sĩ. Mỗi loại dịch truyền sẽ phù hợp với mỗi bệnh nhân và tình trạng cơ thể khác nhau, truyền loại dịch không phù hợp có thể gây ra các tác dụng phụ.

4. Những lưu ý khi truyền nước

– Chỉ áp dụng truyền nước khi được bác sĩ yêu cầu và thực hiện tại bệnh viện. Không tự ý thuê người đến truyền dịch và tự ý chọn loại dịch truyền mà chưa có sự khuyến nghị của bác sĩ.

– Không lạm dụng truyền dịch và chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết.

– Nếu có các dấu hiệu bất thường sau khi truyền dịch nên tìm đến bác sĩ để được kiểm tra cẩn thận.

– Trẻ nhỏ không được tự ý truyền nước mà chưa có sự cho phép của bác sĩ.

– Đảm bảo an toàn khi sử dụng mũi tiêm khi truyền nước, nếu thường xuyên áp dụng phương pháp truyền nước, nên kiểm tra sức khỏe tổng qua để đảm bảo cơ thể không bị mắc các loại virus, vi khuẩn nguy hiểm.

Nên tới bác sĩ để truyền nước đúng cách
Nên tới bác sĩ để truyền nước đúng cách

Việc truyền nước phải có sự chỉ định của bác sĩ và bất kỳ sự tự ý truyền nước nào cũng có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm ở trên. Hơn nữa, đây cũng không phải biện pháp điều trị tối ưu, điều này còn tùy thuộc vào sức khỏe của mỗi người cũng như chứng bệnh mắc phải. Truyền nước biển mất bao lâu và nên truyền nước khi nào là những vấn đề mà mọi người phải chú ý. Cách tốt nhất là bạn đến bác sĩ để được chuẩn đoán cũng như tư vấn và có cách truyền nước an toàn cũng như hiệu quả nhất.

Theo Khoe.online tổng hợp