Ngộ độc methanol có thể gây chết người
Tác giả: huong
Nhiều năm qua các bác sĩ đã từng khuyến cáo rượu có lẫn tạp chất methanol nếu uống nhiều có thể gây tử vong nếu không phát hiện sớm. Trên thực tế, tình trạng ngộ độc methanol đã từng xảy ra tại nhiều địa phương của nước ta ở những đối tượng bị nghiện rượu trầm trọng.
Methanol – Chất độc gây chết người
Trên thị trường có duy nhất một loại rượu con người có thể uống được là rượu ethylic (ethanol). Nó được sản xuất theo quy trình riêng đạt chuẩn chất lượng và an toàn. Nhiều đối tượng nghiện rượu cố tình pha thêm cồn vào rượu để thỏa cơn say. Nếu là cồn ethanol thì chỉ xảy ra ngộ độc rượu có thể cứu được. Nếu là cồn methanol thì khả năng sống sót là “vô phương”.
Theo TS. Phạm Duệ – Giám đốc Trung tâm Chống độc, methanol là một chất cực độc chỉ được dùng trong công nghiệp. Ở người trưởng thành bình thường, methanol với liều lượng 8g khi vào cơ thể đã có thể gây mù lòa và với 10g có thể gây chết người.
Quá trình gây độc của methanol:
– Methanol khi vào cơ thể nhờ men alchoholdehydrogenase sẽ chuyển hóa thành formaldehyde.
– Sau đó, nó tiếp tục chuyển hóa thành formic acid nhờ men acetaldehyde dehydrogenase.
– Formic acid khi ở nồng độ cao nó gây ức chế cytochrome oxidase của ty lạp thể trong tế bào.
Chất độc này kéo theo hàng loạt các hiện tượng thiếu oxy tế bào, ức chế và làm tổn thương thần kinh, tim mạch, hô hấp và toàn bộ các cơ quan của cơ thể. Hậu quả cuối cùng dẫn đến tử vong bất cứ lúc nào.
Triệu chứng nhận biết ngộ độc methanol
Các triệu chứng có thể xuất hiện sớm hay muộn tùy thuộc vào lượng rượu methanol mà bệnh nhân uống. Thế nhưng, thông thường trong khoảng 12 – 24 giờ bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu ngộ độc methanol như:
– Biểu hiện qua mắt: Người bệnh cảm thấy đau mắt, nhìn trắng mờ mọi thứ, có cảm giác trước mắt như là cơn bão tuyết. Họ bị nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng, ám điểm trung tâm). Sau đó bị mất thị lực và ảo thị (các chấm sáng nhảy múa và thấy đường hầm). Khi soi vào đáy mắt người bệnh, ta thấy các gai thị xung huyết, mạch máu cương tụ, đồng tử dãn và xuất huyết cả võng mạc.
– Co bóp dạ dày, buồn nôn và nôn liên tục, đi tiểu ra máu.
– Rối loạn thần kinh: Một số trường hợp còn tỉnh táo và kêu than chóng mặt, đau đầu. Thế nhưng một số trường hợp thì ngủ lịm hoặc hôn mê, vật vã, co giật từng cơn.
– Tim đập nhanh, thở rất nhanh và sâu, phù phổi.
Đối phó với tình trạng ngộ độc
Khi bị ngộ độc methanol, nếu bệnh nhân tỉnh có thể cho ăn cháo loãng để tránh hạ đường huyết, nếu hôn mê hoặc co giật phải đưa đi bệnh viện gấp. Trong thời gian đợi xe cấp cứu đến, hãy để bệnh nhân nằm cao đầu và tư thế nghiêng an toàn.
Khi đến bệnh viện, phương pháp ban đầu là rửa dạ dày nhằm đào thải methanol. Có 2 loại thuốc giải độc ức chế chuyển hóa methanol thành formic acid:
– Formepizole (Antizol) là loại thuốc tối ưu nhất được dùng để điều trị ngộ độc methanol. Nó ít tác dụng phụ, không gây viêm tụy, không gây tác dụng thần kinh trung ương. Thế nhưng Formepizole lại có giá cao và khó thực hiện.
– Ethanol có khả năng ức chế methanol dưới dạng truyền tĩnh mạch với dung dịch 10% hoặc dạng uống với dung dịch 20%. Đối với Ethanol cần phải theo dõi thường xuyên vì đường máu có thể hạ mỗi 1,2 giờ.
Đối với bệnh nhân có rối loạn thị giác, suy thận hoặc biến chứng nặng thì bác sĩ sẽ chỉ định lọc máu. Đây là phương pháp góp phần đào thải methanol hiệu quả nhất. Có 2 cách lọc máu hấp phụ và lọc màng bụng. Tuy nhiên lọc máu hấp phụ thì hiệu quả hơn. Quá trình lọc máu cần được thực hiện liên tục 4 – 8 giờ. Đến khi nồng độ methanol trong máu < 20 mg/dl (6mmol/l).
Ngộ độc methanol là một dạng nhiễm độc nặng, do đó cần được tuyên truyền và phổ biến rộng khắp trong cộng đồng những kiến thức cơ bản về dấu hiệu nhận biết cũng như cách cấp cứu kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Mỗi chúng ta cần hạn chế uống rượu hoặc nếu cần thiết hãy lựa chọn loại rượu đã được kiểm định chất lượng an toàn không có tạp chất methanol.
Theo Khoe.online tổng hợp