Nguyên nhân và cách điều trị khi trẻ bị hôi miệng

Tác giả: huong

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ bị hôi miệng nhưng có hơn 70% chủ yếu là do vấn đề về răng miệng. Trẻ thường bị hôi miệng từ độ tuổi tập đi trở lên, trẻ không ý thức được nên cha mẹ cần sớm tìm ra giải pháp để giúp con khắc phục hội chứng hôi miệng.

Nguyên nhân khiến trẻ bị hôi miệng

trẻ bị hôi miệng

1. Vệ sinh răng miệng kém

Theo thống kê, hơn 70% trẻ bị hôi miệng là do không vệ sinh răng miệng thường xuyên. Thông thường, khi trẻ biết ăn cơm, cá, thịt hoặc rau mềm thì những cặn bã của thức ăn vẫn còn đọng lại ở các kẽ răng. Chính những thứ còn sót lại ở răng và ở lợi kết hợp với vi khuẩn bình thường trong khoang miệng gây nên chứng hôi miệng ở trẻ.

2. Bệnh răng miệng

Trẻ bị viêm lợi, viêm nướu, viêm chân răng, viêm tủy răng…Tất cả chúng đều là “thủ phạm” khiến lợi của bé luôn trong tình trạng sưng tấy. Thậm chí ở một số trẻ còn chảy mủ, các vi khuẩn không được làm sạch. Từ đó hôi miệng là triệu chứng không thể tránh khỏi.

3. Các bệnh về hô hấp

Thông thường khi trẻ bị hôi miệng rất có thể là do trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp. Nhiễm trùng ở họng, viêm họng, viêm amiđan, viêm tiểu phế quản khiến trẻ khó thở hoặc hơi thở có mùi.

4. Dị vật ở mũi

Thế nào gọi là dị vật ở mũi? Là khi có một mẫu đồ ăn hoặc đồ chơi nhỏ bị kẹt trong khoang mũi. Lúc ấy, ngoài chứng hôi miệng dài ngày, trẻ còn bị chảy nước mũi liên tục.

5. Trẻ hay mút tay, ngậm ti giả

trẻ bị hôi miệng

Đối với những trẻ hay mút ngón tay, ngậm ti giả hoặc hay đưa đồ chơi lên miệng thì tỷ lệ bị hôi miệng lại cao hơn những đứa trẻ khác. Thói quen này “vô tình” khiến vi khuẩn tập trung ở khoang miệng của trẻ nhiều hơn.

Cách điều trị chứng hôi miệng ở trẻ

1. Vệ sinh răng miệng thường xuyên

Đối với những trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể dùng khăn lau mềm hoặc khăn gạc sạch để làm vệ sinh răng và lưỡi ở trẻ. Hãy lau hết thức ăn hoặc cặn sữa bám trên răng cũng như trên bề mặt lưỡi của trẻ.

Nếu trẻ trên 3 tuổi, hãy tập cho trẻ đánh răng ít nhất 2 lần/ngày. Thời điểm là sau khi ngủ dậy và trước khi đi ngủ. Ngoài ra, đánh răng sau khi ăn đồ ngọt, ăn thức ăn có mùi cũng là thói quen rất cần thiết. Để làm được điều này, cha mẹ cần làm gương cho con.

Để giảm mùi hôi của miệng, hãy để trẻ súc miệng với nước muối loãng hàng ngày. Nước muối có tác dụng hạn chế các vấn đề viêm nhiễm ở răng miệng.

trẻ bị hôi miệng

2. Vệ sinh những vật trẻ hay mút

Có thể bé nhà bạn có thói quen hay ngậm ti giả. Trước đó hãy rửa sạch và khử trùng các dụng cụ này. Đồng thời, không để trẻ ngậm hoặc mút ngón tay tránh sự xâm nhập của vi khuẩn bên ngoài vào khoang miệng gây nên mùi hôi.

3. Cho trẻ ăn uống lành mạnh

– Thực phẩm ngọt (nhất là kẹo ngọt, bánh quy, kem) chứa nhiều đường là nguyên nhân chính gây sâu răng, viêm lợi. Vì vậy trong khẩu phần ăn uống của trẻ nhỏ cần hạn chế đường, ít chất béo.

– Trẻ bị hôi miệng chủ yếu là do vi khuẩn và các mảng bám trên răng. Hãy cho trẻ tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả tươi. Chúng giữ vai trò như “bàn chải tự nhiên”. Chúng giúp trẻ lấy đi những thứ dơ bẩn bám trên răng.

– Một số gia vị có mùi như tỏi, cari, hành…cũng góp phần tạo nên hơi thở khó chịu ở trẻ. Các món ăn của bé cần hạn chế sự có mặt của chúng.

– Cha mẹ cần tập cho con nhỏ có thói quen uống nhiều nước lọc trong ngày để ngăn ngừa vi khuẩn cũng như hạn chế chứng khô miệng.

4. Đưa trẻ đi khám bác sĩ

trẻ bị hôi miệng

Nếu đã áp dụng những cách trên mà trẻ bị hôi miệng trong thời gian dài và vẫn chưa hết, hãy đưa con bạn đến gặp bác sĩ ngay. Bởi lúc này, chứng hôi miệng không phải do vấn đề vệ sinh răng miệng kém nữa mà trẻ có thể bị viêm xoang hoặc trào ngược dạ dày thực quản. Chúng ta cần có sự thăm khám của bác sĩ chuyên môn để nhận định chính xác nguyên nhân và tình trạng bệnh.

Lưu ý, khi trẻ bị hôi miệng, cha mẹ đừng làm trẻ phải ngượng ngùng hoặc xấu hổ về hơi thở của mình. Hãy tìm rõ nguyên nhân và có giải pháp chăm sóc răng miệng cho trẻ đúng cách. Chúc trẻ nhà bạn sẽ có một hàm răng đẹp, hơi thở thơm tho và khoang miệng khỏe mạnh.

Theo Khoe.online tổng hợp