Những điều cần biết khi trẻ sơ sinh thở khò khè

Tác giả: huong

Thở khò khè ở trẻ sơ sinh là một trong những triệu chứng các mẹ thường gặp ở trẻ giai đoạn này. Có rất nhiều lý do gây ra tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè, trong đó những lý do về các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, phổi, phế quản là thường xuất hiện nhiều hơn cả. Vậy các mẹ cần làm gì khi thấy bé nhà mình bắt đầu có những biểu hiện thở khò khè, ngạt mũi, thậm chí là biếng ăn, ít bú hơn trước? Cùng tìm hiểu thêm về triệu chứng trẻ sơ sinh thở khò khè để cập nhật được những cách chăm sóc bé tốt nhất.

Những điều cần biết khi trẻ sơ sinh thở khò khè
Những điều cần biết khi trẻ sơ sinh thở khò khè

1. Thở khò khè là triệu chứng như thế nào?

Ở trẻ sơ sinh, tình trạng thở khò khè có thể thấy là những biểu hiện thở nhẹ nhưng phát ra tiếng trầm có thể dễ dàng nghe thấy khi áp sát tai lại gần miệng của trẻ. Khi dùng ống nghe của bác sĩ, có thể nhận thấy những tiếng thở kéo dài, khò khè rõ rệt.

Hầu hết thở khò khè thường xảy ra do trẻ có những vấn đề về hô hấp, mắc đờm, khó thở, ngạt sữa, trớ… và xảy ra nhiều nhất ở trẻ sơ sinh cho đến trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Tình trạng thở khò khè ở trẻ sơ sinh luôn là mối lo đối với nhiều bà mẹ nhất, khi bé còn quá nhỏ để có thể biểu hiện rõ rệt những cảm giác khó chịu về cơ thể, cũng như lo lắng về nguy cơ bệnh phát triển khi không được chữa trị kịp thời.

2. Những nguyên nhân gây ra tình trạng thở khò khè ở trẻ sơ sinh

Có nhiều lý do gây ra tình trạng thở khò khè ở trẻ sơ sinh, một số lý do có thể kể đến như là:

– Trẻ bị hen suyễn bẩm sinh: Khi thời tiết thay đổi, tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng như khói, không khí ngạt… sẽ khiến tình trạng hen suyễn của bé nặng hơn, thở khò khè nhiều hơn khi ngủ.

– Trẻ sơ sinh có những dấu hiệu viêm phế quản, viêm phổi, dị ứng, khó chịu trong cổ họng vì có đờm, có lông, trào ngược dạ dày do trớ, ngạt sữa, những dịch trào người có thể đi theo vào đường hô hấp, gây khó thở cho bé.

– Bé bị viêm amidan cấp tính sẽ có hiện tượng thở khò khè, kết hợp với ho và một ít đờm.

– Một số trường hợp do trẻ sơ sinh bị mềm sụn thanh quản vì sinh non, đã bị tổn thường vùng hô hấp hoặc vùng thanh quản của bé bị chèn ép bởi các mạch máu lớn.

– Có những biểu hiện nghiêm trọng của viêm phế quản cấp tính, viêm phổi, cảm sốt…

– Cũng có thể trẻ bị ngẹt mũi cho nên khi thở phát ra tiếng khò khè.

– Trẻ sơ sinh có những biểu hiện của bệnh xơ sợi, bất thường sọ hầu, tim bẩm sinh, khối u ở phổi… cũng là những tình trạng bệnh đáng ngại trẻ mắc phải từ khi mới sinh ra.

Có nhiều lý do gây ra tình trạng thở khò khè ở trẻ sơ sinh
Có nhiều lý do gây ra tình trạng thở khò khè ở trẻ sơ sinh

3. Khi trẻ sơ sinh bị thở khò khè phải làm thế nào?

Dựa vào tình trạng thở khò khè của bé, mà bạn có thể xác định được phần nào tình trạng cơ thể bé có đang rơi vào những triệu chứng nghiêm trọng hay không.

– Khi bé khò khè do ngạt sữa

Nếu thấy bé thỉnh thoảng có một số biểu hiện thở khò khè nhưng không có các tình trạng ho, khó thở, sốt, kén ăn, giảm cân… thì có thể do bé bị nôn trớ, ngạt sữa.

Với tình trạng này, bạn chỉ cần lưu ý đến cách cho bé bú: Nâng đầu bé cao hơn một chút khi cho bú, bế bé theo hướng áp bụng vào bụng mẹ và cho bé ngậm sâu vào quầng vú của mẹ. Khi cho bú, mẹ cần đỡ lấy bầu ti, kẹp 2 ngón tay giữ đầu ti để tránh tia sữa bắn quá nhanh vào miệng bé, có thể sẽ làm bé bị sặc. Tay còn lại mẹ nên đặt phía sau phần hông và mông của bé, giữ bé cho phần lưng của bé được cố định.

– Khi bé khò khè do những vấn đề về sức khỏe

Với những tình trạng thở khò khè kéo dài có mức độ nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến vấn đề hô hấp của trẻ, các mẹ cần đưa bé đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất để được bác sĩ chuẩn đoán, khám tổng quát và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Trong quá trình điều trị cho bé, nếu được bác sĩ cho phép các mẹ cũng có thể áp dụng một số phương pháp phù hợp:

Vệ sinh khoang mũi bằng việc nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý. Đặt bé nằm nghiêng, nghiêng nhẹ đầu sang một bên và nhỏ từng giọt nước muối sinh lý vào khoang mũi của bé. Dùng dụng cụ y tế chuyên dụng để hút hết dịch nhầy 2 bên mũi. Dùng tăm bông làm sạch phần còn ứ đọng trong khoang mũi. Tuy vậy, giải pháp vệ sinh mũi chỉ hỗ trợ cho trẻ nhỏ từ 8 tháng tuổi trở lên và chỉ có tác dụng làm sạch mũi, chứ không làm sạch được các bộ phận bên trong.

– Khi bé khò khè do nằm không đúng tư thế

Điều chỉnh tư thế ngủ khi thấy bé thở khò khè, không được cho bé gối quá cao và đặc biệt phải giữ môi trường xung quanh sạch sẽ, trong lành, không làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp của bé.

Trẻ thở khò khè do ngủ sai tư thế
Trẻ thở khò khè do ngủ sai tư thế

Đối với trẻ sơ sinh các bà mẹ phải hết sức lưu ý về nhiệt độ trong phòng bé, không nên để máy quạt phả thẳng vào mặt bé và chúng tôi cũng khuyên các mẹ không nên cho bé nằm trong môi trường máy lạnh vì hơi lạnh sẽ làm cho hốc mũi bé bị khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp, rất dễ dẫn đến viêm phế quản, ho,…

Mách cho các mẹ cách giữ ấm, hạn chế sổ mũi, tránh trường hợp nước mũi chảy vào cuống họng làm cho bé bị ho, thở khò khè:

– Bôi tinh dầu tràm vào lòng bàn chân vào mỗi buổi tối để giữ ấm cơ thể.

– Hoặc, nhỏ vài giọt dầu tràm vào chậu nước tắm của bé (lưu ý không cho dầu tràm dính vào mắt bé). Tắm nước dầu tràm sẽ làm cho bé dễ ngủ hơn, cơ thể được giữ ấm.

4. Những biểu hiện thở khò khè nghiêm trọng mà các mẹ cần lưu ý

Cũng có những trường hợp bé thở khò khè nhưng không bị sút cân, không bị sốt, không ho,… thì bố mẹ có thể yên tâm, nhưng khi có những dấu hiệu bất thường thì nhất định không được chần chừ, phải đến bệnh viện kiểm tra ngay.

Một số biểu hiện sau đây khi thấy xuất hiện ở trẻ sơ sinh, cần lập tức đưa ngay vào bệnh viện để được kiểm tra cụ thể:

– Thở khò khè kèm da mặt tím tái.

– Thở khò khè và đờm nhiều.

– Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi thở khò khè, thở dốc.

– Trẻ đã từng có tiền sử hen suyễn, khó thở đột ngột.

– Thở khò khè kèm sốt cao, nôn trớ.

– Thở không đều, nhịp đập của tim không ổn định.

– Bé thở khò khè và ho thường xuyên.

Đối với những trường hợp này nhất định bố mẹ không được chủ quan, vì đó có thể là những dấu hiệu của bệnh nguy hiểm, nếu như không kịp thời rất dễ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Có nhiều trường hợp bé bị đờm bám ở cổ họng làm cho bé thở khò khè, nếu như lượng đờm nhiều rất có thể làm cho bé ngưng thở.

Khi thấy trẻ sơ sinh thở khò khè kéo dài, các mẹ cần đưa bé đến ngay bệnh viện, bác sĩ uy tín để được khám, chữa trị đúng cách và kịp thời.

Theo Khoe.online tổng hợp