Những điều cần biết khi thấy trẻ bị chảy máu cam
Tác giả: huong
Chảy máu cam là một trong những triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy vậy tùy theo tần suất xuất hiện của triệu chứng này mà các mẹ cần quan tâm đến sức khỏe của bé nhiều hơn, bởi những vấn đề về chảy máu cam ở trẻ nhỏ cũng tiềm ẩn nhưng nguy hại, báo hiệu cho tình trạng cơ thể của trẻ. Mẹ nên làm gì khi thấy trẻ bị chảy máu cam? Làm thế nào để hạn chế tình trạng chảy máu cam ở trẻ nhỏ? Mời cùng tìm hiểu:
1. Nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam
Chảy máu cam là tình trạng máu chảy ra đột ngột từ mũi và càng lúc càng nhiều, nếu không được sơ cứu kịp thời. Là một trong những triệu chứng trẻ nhỏ thường mắc phải, đặc biệt ở những trẻ nhỏ có cơ thể khá yếu hoặc đang có một vấn đề nào đó về sức khỏe.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ bị chảy máu cam như sau:
– Thời tiết, nhiệt độ môi trường tác động: Khí hậu khô nóng, hoặc trở lạnh đột ngột… khiến rối loạn luồng khí trong mũi khiến cơ thể trẻ nhỏ không thể thích nghi kịp thời. Dẫn theo các triệu chứng dị ứng, hắt xì làm lớp ngăn mỏng ở vách mũi bị toét, hở gây chảy máu đột ngột.
– Bên cạnh đó những nguyên nhân từ bên trong cơ thể trẻ nhỏ như: cơ thể suy nhược, mắc các chứng viêm mũi, viêm xoang, tổn thương vùng vách ngăn… cũng là một trong những nguyên nhân nghiêm trọng gây nên chảy máu cam ở trẻ nhỏ.
– Do không giữ gìn vệ sinh vùng khoang mũi sạch sẽ, khiến bé có những thói quen chọc tay vào lỗ mũi, gây tổn thương.
– Bé đang trong tình trạng mắc phải một số căn bệnh thường gặp như cảm cúm, sốt, sốt xuất huyết…
2. Mẹ cần làm gì khi bé bị chảy máu cam?
Khi xuất hiện tình trạng chảy máu cam ở trẻ, các mẹ có thể thực hiện những bước sau để sơ cứu tạm thời, để làm giảm lượng máu cam chảy ra:
– Trấn an bé
Khi thấy có máu, bé sẽ không khỏi hoảng sợ mặc dù không cảm thấy đau. Các mẹ hãy vỗ về và trấn an bé, ổn định tinh thần bé để có thể dễ dàng sơ cứu các bước sau.
Trường hợp nếu bé bị chảy máu cam, kèm theo những biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, khó thở, tim đập nhanh… thì rất có thể bé đang rơi vào trạng thái nghiêm trọng, và sau khi sơ cứu tạm thời bạn cần đưa bé đến ngay bệnh viện gần nhất để được khám và chữa trị.
– Sơ cứu
Dùng khăn giấy mềm, bông để lau phần máu đã chảy. Vo bông thành 2 viên, hoặc cuộn giấy và đưa vào lỗ mũi bé để máu không chảy dây ra ngoài.
Để bé hơi cúi đầu, hướng về phía trước nhưng không quá thấp rồi nhè nhẹ bóp phần sống mũi bằng một chiếc khăn giấy hoặc khăn mềm. Giữ cố định từ 5 đến 10 phút để làm máu ngưng chảy dần.
Khi thấy máu đã có những dấu hiệu tạm ngưng chảy. Cho bé ở tư thế nửa ngồi nửa nằm nhưng đầu vẫn hơi cúi về phía trước, có thể thư giãn một chút. Không để bé vận động mạnh, đưa tay vào mũi, ngoáy mũi…
Nhiều người nhầm tưởng khi sơ cứu cần phải để ngửa đầu. Tuy vậy khi ngửa đầu máu có thể chảy ngược xuống họng, khiến bé trở nên khó chịu, có thể ho, ói. Dùng bông nhét mũi bé tạm thời để tránh máu dây ra ngoài, không nên dùng lượng lớn bông và giấy để bít mũi.
– Những dấu hiệu chảy máu cam nghiêm trọng cần đưa bé đến bác sĩ
- Chảy máu thường xuyên và liên tục, dù không xuất hiện những lý do kể trên như thời tiết, khí hậu hay đang bị cảm sốt đơn thuần.
- Dùng đèn pin soi nếu thấy dị vật trong mũi bé.
- Bé đang mắc một chứng bệnh gì đó, và được khuyến cáo dùng loại thuốc mới nhưng lại xuất hiện chảy máu cam.
- Dù sơ cứu trong thời gian dài nhưng máu vẫn tiếp tục chảy, và kèm theo những biểu hiện da tái nhợt dần, lả người, ngất xỉu.
- Đột ngột ho, nôn ra máu tươi. Máu màu đỏ đậm, có độ nhầy.
3. Những biện pháp hạn chế, phòng ngừa chảy máu cam ở trẻ nhỏ
Nhận thấy tình trạng chảy máu cam ở bé diễn ra thường xuyên. Sau khi nhận được những lời khuyên cụ thể từ bác sĩ, mẹ cũng cần áp dụng một trong cách sau để hạn chế tình trạng máu cam xuống còn ít nhất có thể:
– Giữ gìn móng tay của bé luôn được cắt ngắn, sạch sẽ, dạy bé không có thói quen cho tay vào mũi.
– Vệ sinh khoang mũi của bé thường xuyên, rửa nước muỗi loãng mỗi tối trước khi đi ngủ để loại bỏ bụi bẩn.
– Giữ ẩm cho mũi bằng cách dùng thuốc mỡ kháng sinh thoa dịu nhẹ vùng viền mũi trước khi đỉ ngủ.
– Bảo đảm những thiết bị bảo hộ nếu bé vận động mạnh, chơi thể thao bởi có thể bé gặp phải những tai nạn nguy hiểm.
Trẻ bị chảy máu cam không là hiện tượng quá nguy hiểm nếu đôi khi xuất hiện do những tác động của thời tiết. Tuy vậy đối với tình trạng chảy máu cam xuất hiện thường xuyên, khiến trẻ mất máu, suy nhược sức khỏe thì hãy hết sức lưu ý và tìm kiếm những lời khuyên thiết thực nhất từ bác sĩ để chữa trị kịp thời. Thường xuyên cho bé ăn các loại thực phẩm có tính giải nhiệt, cũng như các thực phẩm giàu chất sắt để bổ sung cho cơ thể nếu bé thường xuyên chảy máu cam.
Theo Khoe.online tổng hợp