Bệnh tay chân miệng tăng mạnh ở Đồng Nai
Tác giả: uyennguyen
Bệnh tay chân miệng hiện đang bùng phát một số nơi. Bệnh thường gặp ở các nhà trẻ, trường học, sự truyền bệnh thông qua tiếp xúc tay chân, đường hô hấp như hắt hơi, ho, hoặc do vệ sinh tay chân không sạch sau khi đi vệ sinh.
Bệnh tay chân miệng tăng đột biến ở Đồng Nai
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai, tính đến 10-8, toàn tỉnh ghi nhận 4.700 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng mạnh hơn 50% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó có 1.970 ca điều trị nội trú, còn lại điều trị ngoại trú.

Trong số các địa phương, TP Biên Hòa là khu vực ghi nhận bệnh tay chân miệng nhiều nhất. Cụ thể, chỉ riêng tháng 7, toàn TP có gần 600 ca mắc bệnh tay chân miệng, nâng tổng số từ đầu năm đến nay gần 1.400 ca (tăng 164% so với cùng kỳ năm 2016).
Bác sĩ Lê Văn Giai – trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai – cho biết bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng từ cuối tháng 6 và kéo dài đến nay. Hiện trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 60-80 ca bị bệnh tay chân miệng nhập viện điều trị, tăng 4-5 lần so với các tháng đầu năm và cùng kỳ năm 2016.
Cũng theo bác sĩ Giai, đỉnh dịch tay chân miệng ở khu vực phía Nam thường rơi vào thời điểm tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12, còn từ tháng 6 đến tháng 8 số lượng bệnh tay chân miệng không nhiều.
“Tuy nhiên, năm nay bệnh lại tăng đột biến từ cuối tháng 6 đến nay và diễn biến hết sức phức tạp. Theo tình hình này thì các tháng cuối năm dự báo dịch tay chân miệng có thể còn tăng cao” – bác sĩ Giai cho biết.
Cách điều trị và ngăn ngừa bệnh chân tay miệng
Giai đoạn ủ bệnh từ 3-5 ngày, kế đến sẽ xuất hiện các vết loét trong miệng, trẻ có thể bị sốt, chán ăn, đau họng, sau đó các nốt đỏ rộp trên hai bàn tay, chân, có thể lan rộng ra mông, đùi, khuỷu tay, bộ phận sinh dục…

Một số cách điều trị ở nhà
– Uống nước dừa lạnh. Mất nước là một vấn đề lớn với bệnh tay chân miệng, hơn nữa vì vết loét trong miệng có thể làm cho ăn uống khó khăn, cực kỳ đau đớn. Nước dừa lạnh có thể giúp giảm đau, khó chịu nhưng quan trọng hơn, nhờ lượng kali, chất điện giải cao chính là cách hoàn hảo để ngăn ngừa mất nước.
– Thức ăn mát và xúp, nên cho trẻ ăn xúp lỏng với đủ chất dinh dưỡng cần thiết để phục hồi. Tránh ăn thức ăn cứng, mặn, cay hoặc chua, trái cây quá chua có thể gây ra kích ứng và đau.
– Dầu dừa. Nhẹ nhàng bôi dầu dừa lên chỗ các nốt đỏ có thể giúp làm lành nhanh chóng. Các hợp chất kháng vi trùng và kháng virút trong dầu dừa có thể ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.
– Tắm nước muối trộn tinh dầu bạc hà, giúp dịu da, giảm ngứa, chống nhiễm trùng và giải độc cho cơ thể. Ngâm mình trong bồn tắm khoảng 15-20 phút sẽ nhanh chóng hồi phục đồng thời giảm bớt sự đau đớn và khó chịu.
– Tắm với tinh dầu chanh. Thêm một vài giọt vào xà phòng để chống lại virút và vi trùng, hỗ trợ sức khỏe của da.
Đừng quên khử trùng
– Thường xuyên cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm.
– Tắm nước muối ấm.
– Ăn thức ăn mát, có thể thêm một ít tỏi nghiền vào thức ăn của trẻ.
– Thường xuyên rửa tay bằng nước ấm, xà bông, nhất là sau khi đi vệ sinh.
– Khuyên trẻ giữ vệ sinh thật tốt, không cho tay vào miệng.
– Không ngậm đồ chơi.
– Vệ sinh kỹ bình sữa và núm vú bình.
– Chú ý các thú nhồi bông trẻ tiếp xúc phải thật sạch.
– Điều lưu ý đặc biệt là cho con bú trong 6 tháng đầu tiên của cuộc đời có thể giúp bảo vệ cơ thể trẻ chống lại một số bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả bệnh tay chân miệng.
– Trẻ em bị bệnh tay chân miệng tránh đến trường cho đến khi hết sốt và lành các vết loét ở miệng cũng như trên da.
Thận trọng biến chứng
– Mất nước và rối loạn điện giải. Bảo vệ trẻ chống mất nước nghiêm trọng bằng cách cung cấp chất lỏng mát trong suốt cả ngày.
– Mất móng tay và móng chân, tùy thuộc vào hoạt động của siêu vi, trẻ em có thể bị mất móng tay hoặc móng chân, tuy nhiên thường là tạm thời và móng sẽ mọc trở lại trong những tháng tiếp theo.
– Viêm màng não do virút. Khi tình trạng bệnh tay chân miệng quá nghiêm trọng có thể xảy ra, đây là loại viêm màng não phổ biến nhất và ảnh hưởng đến các mô bao gồm não và tủy sống.
Bệnh chân tay miệng rất dễ lây lan qua tiếp xúc thông thường vì vậy các bậc phụ huynh nên có phương pháp ngăn ngừa bệnh cho bé, nhất là trong mùa dịch, mùa tựu trường. Đồng thời, khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường trên tay, chân, miệng như nổi nốt đỏ, sốt..cần kịp thời thăm khám và điều trị, không nên tự ý điều trị tại nhà vì có thể gây ra một số biến chứng không mong muốn.
Theo tuoitre.vn